Doanh nghiệp
Bkav và "canh bạc" Bphone
Nguyên Đức - 01/06/2015 08:11
Sau nhiều chờ đợi, smartphone Bphone đã ra mắt trong đỉnh điểm tò mò, trong rầm rộ tiếng khen, lời chê của dư luận. Chưa biết Bkav sẽ thắng hay thua trong “canh bạc” này, nhưng việc dám đưa ra “lời tuyên chiến” với các đại gia Samsung, Apple, Sony… ít nhiều cho thấy sự dũng cảm của một thương hiệu Việt.

Tham vọng lớn

Sau nhiều chờ đợi, Bkav đã ra mắt Bphone hôm 26/5 vừa qua. Nhưng nếu người tiêu dùng chỉ phải chờ đợi hơn 4 tháng, kể từ sau tiết lộ tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng thế giới CES (Mỹ), thì “người Bkav” đã phải đợi đến 4 năm. Câu chuyện này đã được đích thân Chủ tịch, kiêm CEO của Bkav Nguyễn Tử Quảng kể tại buổi lễ ra mắt Bphone, trước 2.000 khách mời.

Bkav đã thành công trong truyền thông cho thương hiệu Bphone

 

Đó là tháng 9/2010, Bkav đã đăng ký tên miền Bphone và chính thức khởi động Dự án Bphone. Kể từ đó, khoảng 200 nhân viên của Bkav đã tập trung vào thiết kế, hoàn thiện và xây dựng các ứng dụng riêng dành cho mẫu smartphone này tại nhà máy ở Cầu Giấy (Hà Nội). Hàng triệu USD đã được Bkav chi để thực hiện tham vọng lấn sân vào sản xuất smartphone, mà phải là dòng smartphone hàng đầu thế giới, chứ không phải là “thường thường bậc trung”.

“Chúng tôi tham gia lĩnh vực này sau các hãng khác, vậy để trở thành một thương hiệu thực sự trong lĩnh vực, không có cách nào khác là phải làm ra sản phẩm tốt hơn của họ”, CEO Nguyễn Tử Quảng giải thích.

Để sản xuất Bphone, Bkav đã phải mua thiết bị, linh kiện từ 82 nhà cung cấp trên toàn cầu và đưa về sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Và trên các bao bì sản phẩm Bphone in rõ dòng chữ “Bphone Designed by Bkav, Made in Vietnam”.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, trên thị trường hiện không thiếu các thương hiệu điện thoại Việt, từ Viettel, FPT cho đến Mobistar, Qmobile… Tuy nhiên, tất cả các nhà sản xuất này đều thuê ngoài sản xuất (OEM) từ Trung Quốc, gắn mác thương hiệu của mình, rồi đưa về Việt Nam tiêu thụ. Chỉ riêng Bphone có nhà máy ở Hà Nội. Đây là nhà máy cơ khí và điện tử mà Bkav phục vụ việc sản xuất cả Bphone và SmartHome, dòng sản phẩm được Bkav đưa ra hồi tháng 6/2014 và cũng đã gây được tiếng vang trên thị trường.

Bkav khởi đầu từ một doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ an ninh mạng từ năm 1995, với một trong những sản phẩm được nhiều người Việt Nam biết đến là phần mềm diệt virus BKIS. Ngay từ thời đó, Bkav đã tuyên bố, đó là phần mềm diệt virus tốt nhất thế giới. Thậm chí, Mobile Security còn được Bkav công bố là “vượt mặt” cả 4 ông lớn bảo mật thế giới là Kaspersky, McAfee, BitDefender và Norton Antivirus.

Bỏ qua mọi mỹ từ, phát ngôn “gây sốc”, thì những gì mà Bkav làm được thật đáng ghi nhận. Tại thị trường trong nước, Bkav chiếm ưu thế áp đảo so với các phần mềm diệt virus của nước ngoài, với 73,95% doanh nghiệp lựa chọn sử dụng. Đây là kết quả xếp hạng các thương hiệu phần mềm được doanh nghiệp ưa chuộng, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  thực hiện. Bkav cũng là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam lọt danh sách các công ty hấp dẫn tại các thị trường mới nổi trên toàn cầu do Gartner, hãng tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới công bố. Công ty đã thành lập Bkav Singapore và Bkav USA đặt tại Thung lũng Silicon (Mỹ).

Nhưng với SmartHome, và mới đây là Bphone, tham vọng lớn của Bkav bộc lộ rõ ràng hơn: trở thành nhà sản xuất các thiết bị di động, thông minh hàng đầu không phải chỉ tại Việt Nam.

Canh bạc lớn

Phải thẳng thắn thừa nhận, Bkav đã thành công trong truyền thông cho thương hiệu Bphone. Kể từ khi Bphone bị rò rỉ tại CES tới khi Bphone chính thức ra mắt và cho tới thời điểm này, cái tên Bphone đã thu hút được sự quan tâm cực lớn của dư luận. Và bất kể vẫn còn những “hạt sạn”, thì lễ ra mắt Bphone với sự xuất hiện của 2.000 khách mời và khoản chi 10 tỷ đồng của Bkav được đánh giá là thành công và rất chuyên nghiệp.

Nhưng ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Chiến lược thương hiệu Richard Moore Associates, đã hoàn toàn đúng khi cho rằng, dù thành công trong việc thổi Bphone trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, song bất kể mục tiêu cuối cùng là gì, Bkav vẫn cần bán điện thoại. Nghĩa là nếu bán được Bphone, Bkav thành công trong “canh bạc” này, còn ngược lại, Bkav thua.

“Chúng tôi tin rằng, ngày hôm nay sẽ làm nên lịch sử của ngành công nghệ Việt Nam. Ngày hôm nay, Bkav đã đem đến cho các bạn một siêu phẩm hàng đầu thế giới, thiết kế tinh tế, đẹp, chế tạo tinh xảo, mạnh mẽ về hiệu năng. Âm thanh, camera và màn hình với chất lượng và tính năng hàng đầu thế giới…”, CEO Nguyễn Tử Quảng tự tin khẳng định.

Lại một lần nữa bỏ qua mọi mỹ từ, thì nhìn từ thiết kế, đến xem kỹ cấu hình sản phẩm, như dùng hệ điều hành riêng BOS, sở hữu chip xử lý Qualcomm Snapdragon 801, 4 lõi, 2,5 GHz, RAM Sky Hynic 3GB LPDDR3, màn hình Sharp 5 inch Full HD, hai mặt kính cường lực Gorilla Glass, camera không lồi, lại có tính năng bảo mật tuyệt vời, truyền dữ liệu nhanh gấp 500 lần NFC…, Bphone thực sự là một smartphone rất được.

Điều băn khoăn lớn nhất, đó là Bphone là một thương hiệu Việt và giá bán không hề rẻ, với ba mức giá là 9,99 triệu đồng (phiên bản 16 GB), 12,96 triệu đồng (phiên bản 64 GB) và 20,19 triệu đồng (phiên bản đặc biệt, mạ vàng, 128 GB) - chưa bao gồm VAT.

Bkav, dù chỉ là một “đại gia tay ngang”, nhưng đã không giống bất cứ một doanh nghiệp Việt Nam nào khác, đó là chỉ “đánh” vào phân khúc bình dân để cạnh tranh lẫn nhau, cạnh tranh với các thương hiệu Trung Quốc như Oppo, Huawei, Xiaomi…, mà lại dũng cảm đương đầu với hàng loạt nhà sản xuất hàng đầu thế giới, như Samsung, Apple, Sony, LG…

Với mức giá của phiên bản đặc biệt, Bphone sẽ phải cạnh tranh trực diện với Iphone 6 Plus, với Galaxy S6, S6 edge… Với phiên bản 64 GB, sẽ là cuộc cạnh tranh với Galaxy Note 4, Sony Xperia Z3… Phiên bản 16 GB sẽ là cuộc đối đầu với dòng smartphone tầm trung của Samsung, Sony, LG, HTC…

Thị trường smartphone Việt Nam đang tăng trưởng rất mạnh, với 11,6 triệu chiếc được bán ra trong năm 2014, chiếm 41% tổng thị trường điện thoại di động Việt Nam, tăng 57% so với năm trước, theo khảo sát của IDC. Thị trường chắc chắn sẽ dành “cửa” cho Bphone, song khả năng cạnh tranh của Bphone đến đâu còn phải chờ đợi.

Hơn nữa, việc Bkav không bán hàng trực tiếp tại các cửa hàng, mà lại thông qua thương mại điện tử - trên website vala.vn cũng là một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Dù Bkav cho người mua 14 ngày để đổi và trả máy, nhưng việc không được trải nghiệm sản phẩm mà đã đặt mua một sản phẩm có mức giá trên 10 triệu đồng không phải là đơn giản với người tiêu dùng Việt Nam.

Vấn đề cũng không hẳn chỉ nằm ở giá bán. Để thắng trong “canh bạc” này, Bkav còn phải vượt qua định kiến của người tiêu dùng Việt Nam đối với các thương hiệu Việt và tâm lý sính hàng ngoại, nhất là trong lĩnh vực công nghệ.

 

Nhưng mọi chuyện mới chỉ là bắt đầu

Mọi chuyện đúng là mới chỉ là bắt đầu. Song rất dễ nhận thấy, Bkav đã đầu tư một cách nghiêm túc và bài bản cho việc phát triển Bphone.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch Bkav cho biết, hiện công suất nhà máy ở Cầu Giấy của Bkav đáp ứng khoảng vài chục nghìn sản phẩm/tháng. “Nhưng chúng tôi cũng đã sẵn sàng cho hạ tầng tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc với diện tích 2,3 ha. Trong trường hợp thị trường phản hồi tốt thì sẽ phải nhanh chóng nâng công suất lên vài trăm nghìn sản phẩm mỗi tháng”, ông Thắng cho biết.

Có vẻ như, Bkav rất tự tin vào sản phẩm của mình và cũng đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiêu thụ và sản xuất Bphone. Chưa kể, cùng với Bphone, Bkav cũng đã công bố một mảng sản xuất mới, đó là smart device - các thiết bị thông minh. Thông tin Bkav sẽ sản xuất  cả máy tính bảng Bpad cũng đã được xác nhận. “Song song với Bphone, chúng tôi còn phát triển nhiều sản phẩm và ngay từ thời điểm này đã phải bắt tay cho những phiên bản tiếp theo”, đại diện Bkav cho biết.

Bkav còn nhiều kế hoạch ở phía trước và mọi chuyện mới đang chỉ là bắt đầu trong tham vọng trở thành một tập đoàn hàng đầu trong sản xuất thiết bị di động, thiết bị thông minh. Sau khi Bphone ra mắt, lời khen cũng lắm mà lời chê cũng nhiều, cũng không thiếu những lời dè bỉu, nhưng tuyên bố của ông Nguyễn Tử Quảng về việc “từ nay Việt Nam không còn là vùng trũng công nghệ của thế giới” rõ ràng là rất đáng trân trọng.

Dù chưa biết Bkav thành công hay không, nhưng nỗ lực, quyết tâm và sự dũng cảm của họ là rất đáng trân trọng. Trong vô vàn lời khen, chê của cộng đồng mạng, có một bình luật thực sự rất có ý nghĩa: “Hãy cho Bkav một cơ hội, cũng là cho Việt Nam một cơ hội”.

Tin liên quan
Tin khác