Chuyển đổi số - Kinh tế số
Blockchain là tương lai của thị trường vốn, nhưng các ứng dụng vẫn còn rất sơ khai
Lê Tín - 27/06/2022 10:49
Dù được đánh giá là tương lai của lĩnh vực tài chính, ngân hàng hay chứng khoán, nhưng việc ứng dụng blockchain vào những ngành này vẫn còn sơ khai, ở mức công nghệ nhiều hơn là thương mại hóa.

Ông Trương Quốc Tuấn, Giám đốc giải pháp công nghệ Công ty quản lý quỹ Dragon Capital đã đưa ra một số giải pháp thúc đẩy hoạt động ứng dụng blockchain vào thị trường tài chính, ngân hàng và chứng khoán Việt Nam.

Theo ông Tuấn, công nghệ blockchain đang rất được kỳ vọng có thể làm nên một cuộc cách mạng về cơ sở hạ tầng bên cạnh mạng Internet trong lĩnh vực tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng, tiềm năng mang đến sự minh bạch và hiệu quả cao, trong khi lại giảm được đáng kể thời gian và chi phí vận hành.

Dù vậy, việc ứng dụng công nghệ này vào thị trường tài chính hay chứng khoán sẽ còn nhiều hạn chế do bị ràng buộc về nhiều mặt, nhất là về tiêu chuẩn chung và quy định pháp luật.

"Blockchain chỉ đang ở giai đoạn sơ khai, các nghiên cứu về vấn đề này tuy đã có nhưng vẫn chưa đầy đủ, vẫn còn nhiều hạn chế về mô hình, dữ liệu, chuyên môn", ông Tuấn cho biết.

Nội dung được thảo luận tại Hội thảo “Ứng dụng blockchain trong tài chính ngân hàng: Thực trạng và xu hướng”, do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Kinh tế ứng dụng (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) và Khoa Tài chính Ngân hàng (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) phối hợp với Trung tâm Quản lý tài sản số (TSS) tổ chức.

Công nghệ blockchain đang rất được kỳ vòng có thể làm nên một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng nhưng hiện vẫn còn rất hạn chế do bị ràng buộc về nhiều mặt.

Để các tổ chức, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ blockchain vào thực tế bài toán của doanh nghiệp và xã hội, ông Trương Quốc Tuấn cho rằng Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng và hiệu quả hơn nữa.

Đồng thời, trong thời gian tới, Việt Nam cần tăng cường các hoạt động nghiên cứu và thử nghiệm cũng như ứng dụng blockchain trong lĩnh vực tài chính nói chung và trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng, và đưa ra các mô hình thử nghiệm (sandbox) cụ thể, tập trung vào các ứng dụng như: hỗ trợ xử lý xác thực sau giao dịch; hỗ trợ công bố, trao đổi thông tin; quản lý cổ đông, quyền sở hữu; biểu quyết; mua/bán cổ phiếu quỹ, chứng chỉ quỹ.

"Các tổ chức, doanh nghiệp cũng cần có sự đầu tư đúng mức về nhân lực và vốn để có thể áp dụng hiệu quả công nghệ blockchain trong mỗi tổ chức. Bên cạnh đó tổ chức liên minh giữa các tổ chức, đối tác trong và ngoài ngước, để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giúp gia tăng sức mạnh tập thể, tiết kiệm thời gian và chi phí", ông Tuấn nói.

Cuối cùng, ông Tuấn cho rằng, ứng dụng blockchain trong tài chính hay chứng khoán tuy đã có những ứng dụng bước đầu, nhưng vẫn còn trong giai đoạn sơ khai và ở mức công nghệ nhiều hơn là thương mại hóa. Do đó, việc này đòi hỏi đi đường dài.

"Để có thể thành công trong triển khai ứng dụng blockchain trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các bên tham gia, trong đó đặc biệt là các sàn giao dịch chứng khoán nên có kế hoạch đầu tư nâng cấp hệ thống, đồng thời có chiến lược xây dựng đội ngũ nhân lực để theo kịp với tốc độ phát triển trong lĩnh vực này", ông Tuấn nhấn mạnh.

Tại sự kiện, một số chuyên gia cũng đưa ra nhận định blockchain không chỉ còn là khái niệm của tương lai, mà thực sự blockchain đã có những sản phẩm thực tế, đã và đang tham gia mạnh mẽ vào các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Thực tế cho thấy, Blockchain có thể được áp dụng trong hầu hết các ngành tài chính kinh tế, công nghiệp sản xuất, y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, thương mại, du lịch, dịch vụ. Blockchain còn là một công nghệ mới sáng tạo với sức mạnh có khả năng phá vỡ các mô hình kinh tế trong quá khứ, hiện tại và tái định hình các thị trường trong tương lai, blockchain cũng được đánh giá mang lại tiềm năng to lớn đối với các thị trường mới nổi để có thể vươn lên một cách nhanh chóng.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nghiêm Quý Hào, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Kinh tế ứng dụng (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) cho rằng, blockchain đã và đang được quan tâm ở nhiều cấp độ, nhiều bộ, ngành, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều hội thảo, diễn đàn về Blockchain đã và đang tiếp tục được tổ chức. Song một hội thảo, kết nối được giới khoa học và cộng đồng doanh nghiệp, được tổ chức bởi một trường đại học thì có lẽ không nhiều.

Do đó, ông Hào cho rằng, các trường đại học, với các sứ mệnh cốt lõi là giáo dục, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp và đồng kiến tạo vì sự phát triển bền vững, với tư cách là cái nôi của sáng tạo, nên và cần thiết tham gia vào các quá trình giáo dục, đào tạo và phát triển blockchain ở Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác