- [Talkshow] Bảo mật thông tin cho Game ứng dụng Blockchain: Thách thức & Giải pháp hiệu quả
- [Talkshow] Hoàn thiện hành lang pháp lý cho game blockchain tại Việt Nam: Khó hay dễ?
- Thiếu khung pháp lý cho blockchain: Các start-up luôn cảm thấy bất an
- Ứng dụng blockchain: Không chỉ có NFT, tiền kỹ thuật số...
Giới trẻ tại Việt Nam khá nhanh nhạy với lĩnh vực blockchain. |
“Hái ra tiền”, nhưng cũng đầy gian nan
Năm 2021 đánh dấu sự bùng nổ của ngành blockchain toàn cầu, khi lượng vốn kỷ lục đổ vào thị trường này. Con số 25 tỷ USD (tăng gần 700% so với năm 2020) đã chứng minh sức hút của blockchain đối với giới đầu tư toàn cầu, trong đó có không ít doanh nghiệp và quỹ đầu tư trong nước.
Việt Nam cũng có thời điểm nổi lên như một hiện tượng blockchain của thế giới, đặc biệt là mảng GameFi (các trò chơi dựa trên blockchain). Có rất nhiều lý do khiến dòng tiền không ngừng chảy vào thị trường này.
Ông Hoài Nam, nhà sáng lập UB Holding (một trong những cộng đồng đam mê tiền điện tử và blockchain lớn nhất Việt Nam) nhận định, Việt Nam đang có nguồn lực to lớn trong mảng blockchain và liên quan đến crypto (tiền mã hóa, được sử dụng thông qua các dữ liệu giao dịch blockchain).
Theo ông Hoài Nam, thế giới đã công nhận Việt Nam là một quốc gia thân thiện với blockchain và crypto. Bên cạnh đó, tinh thần khởi nghiệp cao là cơ hội lớn để các nhà đầu tư chọn Việt Nam và cũng là cơ hội cho các bạn trẻ khởi nghiệp tạo lập dự án “hái ra tiền”.
Tuy nhiên, hành trình kêu gọi đầu tư của các start-up trong mảng blockchain gặp quá nhiều thách thức, đặc biệt là trong một thị trường chưa có hành lang pháp lý về lĩnh vực này như Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Nam, Chủ tịch HĐQT OneBlock Labs chia sẻ, OneBlock Labs đã từng giới thiệu gọi vốn cho một vài dự án và nhận được vốn đầu tư ở Silicon Valley. Mặc dù phần giới thiệu ban đầu rất tốt, nhưng khi đi vào vận hành thì gặp khó khăn ở các khâu marketing và hoàn thiện sản phẩm.
“Đầu tư vào dự án blockchain có tỷ lệ thành công rất thấp, đặc biệt là giai đoạn vận hành. Vì vậy, khi đánh giá một dự án, cần quan sát con người trước, sau đó là sản phẩm”, Chủ tịch OneBlock Labs nói.
Đặc thù của các dự án start-up blockchain là hình thành rất nhanh, quá trình hình thành dự án dường như chỉ tính theo tuần hoặc tháng. Đặc biệt, ở những giai đoạn “nóng” của các dự án này, việc gọi vốn ở Việt Nam và trên thế giới khá dễ dàng.
Sau giai đoạn phát triển vừa qua, quy mô các quỹ đầu tư vào dự án blockchain Việt đã bị “sóng sánh”. Khá nhiều tín hiệu cho thấy, sức hút của các dự án đang có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Khôi, CEO Koru Capital cho rằng, quy mô đầu tư vào các dự án blockchain sẽ không giảm, vấn đề là các quỹ chưa tìm được những công ty start-up đủ sức hấp dẫn để rót vốn.
“Các dự án start-up blockchain có chất lượng ở Việt Nam khá khan hiếm, nhưng chắc chắn sẽ có, khi thị trường trở nên hấp dẫn hơn với môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho việc đầu tư trong lĩnh vực này”, ông Khôi chia sẻ.
Ngoài các dự án về GameFi, play to earn (trò chơi kiếm tiền) đã tạo tiếng vang, trên thị trường đang lộ diện nhiều dự án blockchain theo trào lưu mới như Metaverse, Web3 hay SocialFi, thu hút rất nhiều quỹ đầu tư ngoại.
Trần Vinh Quang, đồng sáng lập, Giám đốc vận hành Appota Group nhận định, game vẫn sẽ là một phần của blockchain và GameFi sẽ cho thấy những cơ hội đầu tư lớn hơn trong tương lai. Cùng với đó, giới trẻ có xu hướng sưu tầm tài sản số (NFT) để thể hiện đẳng cấp của bản thân thay vì mua nhà, mua xe, mua đất… cũng tạo ra thị trường tỷ USD.
Hành lang pháp lý bỏ ngỏ, gọi vốn thiếu bền vững
Vài năm qua, Việt Nam được nhìn nhận như một điểm nóng của ngành blockchain, với sự xuất hiện của hàng loạt dự án tên tuổi đã ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế. Trước đây, các ứng dụng hay công ty blockchain tập trung vào mảng tài chính. Tuy nhiên, vào năm 2021, mảng này chỉ chiếm khoảng 40% với các công ty blockchain, còn lại thuộc về các công ty KYC (know your customer), nông nghiệp, giải trí…
Tuy nhiên, hành lang pháp lý còn bỏ ngỏ đang là một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp blockchain và cũng là nguyên nhân khiến nhiều quỹ đầu tư còn khá rụt rè rót vốn vào lĩnh vực này. Thậm chí, có rất nhiều dự án bỏ cuộc và gây thiệt hại lớn cho giới đầu tư, hay nói một cách nghiêm trọng là “có dấu hiệu lừa đảo”. Điều này khiến cộng đồng nhà đầu tư yêu thích blockchain và crypto mong muốn thúc đẩy tiến trình ban hành khung pháp lý một cách nhanh chóng, giúp môi trường phát triển và đầu tư trong sạch, minh bạch hơn.
Không chỉ ở Việt Nam, rất nhiều quốc gia khác cũng đang gặp phải rào cản tương tự, vì công nghệ luôn luôn đi trước pháp lý. Rõ ràng, pháp lý cần có những cải tiến để có thể theo kịp công nghệ.
Việc các công nghệ phát triển vượt bậc dần xóa mờ ranh giới của các quốc gia gây ra mâu thuẫn giữa các doanh nghiệp làm về công nghệ và thiếu sự hướng dẫn của luật pháp dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải thành lập công ty ở nước ngoài, nhưng vẫn hoạt động ở Việt Nam.
Tuy nhiên, các dự án start-up blockchain có tiềm năng rất lớn, nên nhiều quỹ đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro với quyết định rót vốn của mình. Sau thời gian đầu tư, họ rút ra được những kinh nghiệm trong việc chọn dự án, đó là phải lựa chọn con người, cộng sự và chiến lược thị trường của dự án đó.
“Đối với các khoản vốn lớn, các nhà đầu tư lớn sẽ có khẩu vị rất khác, họ không chỉ nhìn dự án, mà còn nhìn vào những giá trị mà doanh nghiệp đó có thể cống hiến cho cộng đồng cũng như giúp khoản đầu tư của họ sinh lợi nhuận”, ông Nguyễn Mạnh Khôi chia sẻ.
Trên thế giới có rất nhiều dự án, công ty blockchain đã thu hút được các quỹ đầu tư lớn. Có thể kể đến sàn Coinbase - một trong những công ty blockchain được IPO trên sàn chứng khoán Mỹ; hay BlockFi - đang được định giá trên 3 tỷ USD; MagicBox - đang được định giá trên 1 tỷ USD và được dẫn dắt bởi các quỹ đầu tư truyền thống nổi tiếng trong quá trình gọi vốn…
“Cơn khát” nhân sự
Thực tế cho thấy, để phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, thứ cần tập trung xây dựng hiện tại không phải là thị trường hay sản phẩm, mà chính là con người.
Tại Việt Nam, có nhiều bạn trẻ tham gia ngành blockchain rất sớm. Nguyễn Thế Vinh, sinh năm 1992, là một trong những tên tuổi đáng chú ý của cộng đồng blockchain và tiền mã hóa Việt Nam. Anh là đồng sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành VIC Group - cộng đồng nghiên cứu và đầu tư tiền điện tử lớn nhất Việt Nam năm 2017. Hai năm sau, Vinh trở thành đồng sáng lập, CEO Coin98 Finance - start-up tiên phong và tập trung vào công nghệ blockchain. Giá trị vốn hóa thị trường của Coin98 cán mốc hơn 1 tỷ USD vào tháng 8/2021, đưa Coin98 lọt top 98 trên thị trường tiền mã hóa toàn cầu, theo số liệu của CoinGecko.
Gần đây, Coin98 phối hợp với Coin98Solana và một số đối tác tại Việt Nam tổ chức các cuộc thi tìm kiếm nhân tài blockchain. Câu chuyên đầu tư của họ không chỉ dừng lại ở việc tập trung vào sản phẩm, mà còn là những định hướng dài hơi cho nguồn nhân lực ngành blockchain.
Hệ sinh thái Solana được xem là ứng cử viên hàng đầu trong kỷ nguyên Web3 và nền tảng này đã chọn Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng để đầu tư vàphát triển.
Theo bà Tamar Menteshashvili, người đứng đầu mảng phát triển hệ sinh thái của Solana Labs, Việt Nam là quốc gia với 63% dân số sử dụng thành thạo smartphone và đang giữ vị trí top 1 về tỷ lệ người tham gia thị trường crypto. Đó chính là những điều kiện cần để Web3 nở rộ tại đây. Solana cùng Coin98 sẽ dành nguồn lực để hỗ trợ cho những nhà phát triển dự án đến từ Việt Nam.
Blockchain là một công nghệ mới, đòi hỏi nhân sự làm việc phải thay đổi và học hỏi nhanh. Ngoài ra, các đơn vị tuyển dụng cũng sẽ có các tiêu chuẩn khác biệt so với các ngành còn lại.
Dựa trên báo cáo thị trường công nghệ thông tin năm 2020 của TopDev và tốc độ tăng trưởng số lượng lập trình viên tại Việt Nam, năm 2021, Việt Nam cần 450.000 nhân lực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, tổng số lập trình viên ở Việt Nam (tính đến quý I/2021) là 430.000 người, có nghĩa là 20.000 vị trí lập trình viên sẽ không được lấp đầy trong tương lai gần. Sự thiếu hụt này xuất phát từ sự chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và các yêu cầu kinh doanh. Đáng chú ý là, hiện nay chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (chiếm gần 30%) trong tổng số 55.000 sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin đáp ứng được những kỹ năng và yêu cầu của doanh nghiệp.
Ông Thái Thanh Liêm, CEO Topebox chia sẻ, đang xuất hiện làn sóng nhân sự giỏi ở nước ngoài quay về Việt Nam làm việc và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành blockchain. Điểm chung của họ là muốn gây dựng tầm nhìn lớn và cải tiến quy trình làm việc ở trong nước cũng như đào tạo được nguồn nhân lực kế cận có tư duy mới, tiệm cận với các nước phát triển. Điều này cho thấy, thị trường trong nước rất tiềm năng và hấp dẫn.
“Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, các bạn trẻ đang tích cực mang các mô hình thành công ở nước ngoài về áp dụng tại Việt Nam. Khi hành lang pháp lý được ban hành, chúng ta có thể nhìn thấy làn sóng nhân sự trở về nhiều hơn, các dự án start-up trong lĩnh vực này cũng sẽ bùng nổ hơn”, ông Liêm khẳng định.