Chuyển đổi số - Kinh tế số
Thiếu khung pháp lý cho blockchain: Các start-up luôn cảm thấy bất an
Hữu Tuấn - 02/05/2022 08:16
Nếu không giải quyết được vấn đề về “giấy khai sinh”, các game blockchain Việt Nam sẽ tiếp tục phải thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài.
Tựa game Axie Infinity. Ảnh: Internet

Chọn khai sinh ở nước ngoài

Chỉ trong vòng 2 năm, người Việt Nam đã trình làng 200 tựa game blockchain và đang đứng đầu thị trường thế giới. Đặc biệt là “kỳ lân” Sky Movies với tựa game Axie Infinity có tổng giá trị vốn hóa từng vượt mốc 9,7 tỷ USD. Hiện có khoảng 10 start-up của người Việt trong lĩnh vực blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD.

“Không lĩnh vực nào trong nền kinh tế có thể tạo ra giá trị lớn, trong thời gian ngắn với một lượng nhân sự ít ỏi giống như các dự án blockchain. Bằng chứng là nhiều dự án blockchain có giá trị tỷ USD trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam chỉ có vẻn vẹn 30-40 nhân sự. Nếu được đầu tư phát triển đúng mức, công nghệ blockchain cùng những ứng dụng của nó có thể đem về 5 tỷ USD cho nền kinh tế số Việt Nam trong năm 2022 và còn cao hơn nữa trong những năm tới”, ông  Nguyễn Ngọc Hân, CEO Thủ đô Multimedia đánh giá.

Mặc dù đang dẫn dắt trào lưu game blockchain của thế giới, nhưng điều đặc biệt là gần như 100% start-up blockchain của người Việt Nam đều đăng ký thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài, trong khi thị trường và nhân lực hoạt động ở Việt Nam.

“Gần như 100% start-up Việt Nam ở mảng blockchain đều đang đặt văn phòng tại nước ngoài, mà cụ thể là Singapore, thay vì trong nước. Không chỉ Singapore, Hàn Quốc cũng nổi tiếng với các quy định ngặt nghèo khi đăng ký doanh nghiệp, nhưng vẫn cho phép công ty đặt văn phòng tại đây và hoạt động kinh doanh ở nơi khác. Việc đặt trụ sở ở nước ngoài giúp các start-up dễ dàng gọi vốn hơn. Việt Nam cần có hành động kịp thời để tạo lợi thế trong vấn đề này”, ông Trịnh Công Duy, sáng lập viên Bizverse World, kiêm lãnh đạo Metaverse Village nhận xét.

Lý giải xu hướng này, ông Nguyễn Thành Trung, CEO của Axie Infinity cho biết, việc đặt trụ sở tại Singapore liên quan đến vấn đề gọi vốn của start-up. Chẳng hạn, khi muốn mở rộng thị trường, nếu công ty đặt trụ sở ở Singapore, thì việc gọi vốn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều vì luật quy định rất rõ ràng. Còn tại Việt Nam, để hoàn thành một vòng gọi đầu tư, đặc biệt là khi kêu gọi đầu tư số tiền lớn gặp rất nhiều rào cản và hạn chế. Sau đó, đến lúc cần chuyển tiền đi các quốc gia khác thì ở Việt Nam cũng phức tạp hơn rất nhiều.

“Các công ty khởi nghiệp lúc đầu không lớn. Làm sao để sống sót, để phù hợp với việc kinh doanh quan trọng hơn nhiều so với việc khác, bởi thế đặt trụ sở ở đâu cho thuận lợi là lựa chọn đầu tiên. Chọn Singapore để đặt trụ sở là vì ở Việt Nam để hoàn thành các thủ tục nhận đầu tư phải mất từ 3 đến 6 tháng, lúc đó nhiều công ty khởi nghiệp có khi đã chết rồi”, ông Trung chia sẻ.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thừa nhận, có một thực tế là Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho blockchain. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến các start-up blockchain người Việt thường đặt trụ sở tại nước ngoài. Điều này dẫn tới tình trạng bỏ lỡ cơ hội thu hút nguồn tài chính lớn đang đầu tư vào lĩnh vực blockchain.

Nỗi sợ chưa có đường đi

Bên cạnh lý do đặt trụ sở ở nước ngoài để dễ dàng gọi vốn, ông Nguyễn Thành Trung cũng cho biết thêm, một nguyên nhân quan trọng là mô hình hoạt động của game blockchain tại Việt Nam chưa có khung khổ pháp lý khiến các start-up luôn cảm thấy lo sợ, không biết ngày mai sẽ thế nào.

“Khi không có luật, chúng ta luôn phải vận hành theo hướng phòng thủ, phải suy nghĩ xem nên làm cái gì, trong khi đáng lẽ ra tâm trí đó phải dành cho việc kinh doanh và phát triển dự án”, ông Trung nói.

Theo ông Hùng Lee, CMO ABI Games Studio, Công ty Onesoft, dù thời cơ có, tiềm lực có, nhưng để doanh nghiệp game Việt hiện thực hóa tham vọng chuyển mình nhờ blockchain vẫn còn gặp nhiều rào cản. Rào cản lớn nhất đến từ chính sách. Hiện tại, quy định pháp luật về blockchain, hay NFT gần như không có. Cũng chính từ đó, phần lớn các start-up về blockchain của Việt Nam hiện đăng ký thành lập ở nước ngoài, mặc dù trụ sở chính cũng như nhân lực đều nằm tại Việt Nam.

“Việc phải đặt trụ sở ở nước ngoài, nộp thuế cho nước ngoài là điều các doanh nghiệp blockchain không hề mong muốn. Chính phủ nên sớm có chính sách, cơ chế để doanh nghiệp blockchain trong nước vừa có thể đặt trụ sở, vừa hoạt động tại Việt Nam”, ông Duy đề xuất.

Các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp đều cho rằng, nếu tình trạng này kéo dài, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn về kinh doanh.

“Nếu cứ chờ pháp lý, chờ cấp phép thì thế hệ sau vẫn có thể chảy máu chất xám, con em chúng ta vẫn buộc phải ra nước ngoài đăng ký công ty”, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Câu lạc bộ Khởi nghiệp công nghệ số Việt Nam (VDI) quan ngại và cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy nhanh xây dựng hành lang pháp lý cho blockchain càng sớm càng tốt. Nếu điều kiện trong nước chưa phù hợp để ứng dụng hay kinh doanh thì có thể tính hướng cấp phép công ty blockchain đặt trụ sở tại Việt Nam, nhưng hoạt động ở thị trường nước ngoài.

“Cần tách bạch giữa nơi công ty đăng ký kinh doanh và địa điểm hoạt động kinh doanh. Nếu hai nơi này khác nhau thì Việt Nam cũng có thể trở thành nơi quy tụ khởi nghiệp như Singapore, hút doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, nhưng vẫn hoạt động theo luật pháp quốc tế”, ông Thắng đề xuất.

Thị trường blockchain đang hy vọng sớm có khung khổ pháp lý để cho những chú “cá hồi” blockchain của Việt Nam sinh ra ở nước ngoài sớm trở về Việt Nam, để các start-up Việt không còn lang bạt quê người, về quê cống hiến cho sự phát triển của đất nước.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính chủ trì làm việc, trao đổi thống nhất với Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để xác định cụ thể các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, gắn với cơ quan chủ trì và thời gian thực hiện cụ thể nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa.
Tin liên quan
Tin khác