Quy định vô lý, muốn làm thì phải lách
“Nếu môi trường kinh doanh ở Việt Nam mà như ở Nhật Bản, có lẽ tôi còn làm ở doanh nghiệp tư vấn xây dựng đến năm... 80 tuổi. Nhưng, hành nghề ở Việt Nam nhiều trở ngại quá, nên tôi nghỉ…”.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trầm ngâm trước bức thư gửi cho mình. Người gửi ở Quảng Nam, từng làm ở cơ quan nhà nước, từng làm doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng.
Nhiều nhà thầu xây dựng đang phải trả những khoản chi không đáng chỉ để đáp ứng điều kiện kinh doanh. Ảnh: Đ.T |
Bức thư hơn 3.000 chữ, 12 vấn đề và rất nhiều câu hỏi. Nhưng, điều ông này băn khoăn nhất là quy định về chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cấp cho doanh nghiệp và cho kỹ sư ngành xây dựng.
“Ông ấy hỏi, tại sao lại đòi nhà thầu phải có tối thiểu mấy kỹ sư có hợp đồng lao động dài hạn, có chứng chỉ hành nghề xây dựng, do nhà thầu đóng bảo hiểm thì mới cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho doanh nghiệp, trong khi pháp luật cho phép doanh nghiệp thuê chuyên gia bên ngoài?”, ông Cung chia sẻ thông tin nhận được.
Thực ra, ý kiến trên không mới. Trên hệ thống tiếp nhận ý kiến, kiến nghị doanh nghiệp của Văn phòng Chính phủ, những câu hỏi tương tự được gửi tới khá nhiều. Thậm chí, ông Nguyễn Văn Bằng, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Savico (Bắc Ninh) còn tính toán rất cụ thể rằng, để doanh nghiệp được cấp chứng chỉ năng lực cấp III, với 3 chuyên ngành thì cần đến 24 người. Để đảm bảo điều kiện được cấp chứng chỉ, mỗi tháng, công ty phải chi trả lương và đóng bảo hiểm xã hội cho 24 nhân sự khoảng 144 triệu đồng.
“Quy định như vậy thì chỉ một số doanh nghiệp lớn là đủ điều kiện. Điều này dẫn đến tình trạng ùn ứ công trình nhỏ, chủ đầu tư phải đi tìm nhờ các công ty và các bạn làm, sẽ dẫn đến tình trạng quan liêu trong chính sách”, ông Bằng thẳng thắn.
Mối lo hành chính hóa
PGS-TS Trần Chủng, Trưởng ban Chất lượng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam khi bàn về chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, đã nhắc lại câu hỏi từ nhiều doanh nghiệp thành viên rằng, đây có phải là giấy phép con không.
Lý do, những tiêu chí, điều kiện mà chứng chỉ này yêu cầu không phản ánh bản chất năng lực của một doanh nghiệp, nhưng để không vi phạm Luật Xây dựng, doanh nghiệp buộc phải có.
“Các điều kiện có nhân lực, có thiết bị một cách cơ hữu có thể làm doanh nghiệp yếu đi, do không tận dụng được nguồn lực là các chuyên gia hoặc tiếp tục công nghệ tiên tiến. Các doanh nghiệp mới cũng sẽ bị ảnh hưởng vì không có điều kiện tham gia một cách cạnh tranh vào các dự án”, ông Chủng phân tích.
Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cũng cho rằng, việc cấp chứng chỉ này mang tính hành chính.
Tuy vậy, các khuyến nghị từ các hiệp hội này khá dè dặt. Thậm chí, ông Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), mặc dù nêu cách mà nhiều nước đang làm trong việc đánh giá, xếp hạng năng lực nhà thầu là phần việc của các hiệp hội doanh nghiệp và sự tự giác của doanh nghiệp, song vẫn đề xuất phương án mà ông gọi là mềm mại hơn. Đó là, các doanh nghiệp tự kê khai và đăng ký cấp hạng về cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành theo phân cấp. Cơ quan quản lý này sẽ kiểm tra để cấp hay rút hạng doanh nghiệp.
“Thực tế, thị trường xây dựng hiện nay, cá nhân, doanh nghiệp vẫn yên tâm hơn với các chứng chỉ được cơ quan quản lý nhà nước cấp”, ông Chủng lý giải cho đề nghị trên.
Nhưng, nhiều doanh nghiệp không cảm thấy thuyết phục. Người gửi thư cho ông Cung còn đặt thẳng vấn đề là cơ quan quản lý nhà nước lại lo việc không đáng lo, là can thiệp hoạt động cụ thể của doanh nghiệp, trong khi các việc cần làm là hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, cập nhật định mức xây dựng… thì lại không làm tốt, có định mức xây dựng quá cũ, như máy đo đạc Ni 030 đã không còn sử dụng cả chục năm nay rồi mà vẫn đưa vào… Đó là chưa kể tại sao lại quy định cấp chứng chỉ cho nhà thầu, kỹ sư mà không cấp cho người xét duyệt các chứng chỉ này.
“Rõ ràng, mối lo về hành chính hóa trong hoạt động này vẫn còn nguyên”, ông Cung thừa nhận.
Cũng phải nói rõ, chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng mà các doanh nghiệp có được thông qua sát hạch tại cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Xây dựng hoặc sở xây dựng. Chứng chỉ này quyết định năng lực của nhà thầu tham gia các dự án loại nào.
Ngành giao thông cũng từng có quy định tương tự về mục đích, đó là đánh giá, xếp hạng năng lực các doanh nghiệp tư vấn và xây lắp, nhưng đã phải bỏ sau 5 năm thực hiện vì thiếu thực tiễn. Các nhà quản lý giao thông đã hiểu, việc hành chính hóa cách đánh giá năng lực của nhà thầu làm giảm số lượng nhà thầu có đủ tiêu chí về năng lực - điều kiện để tham gia đấu thầu các dự án, trong khi yếu tố then chốt trong thực hiện dự án là mối quan hệ hợp đồng, khả năng thực thi các giao kết trong hợp đồng, chứ không phải là có được cơ quan nhà nước xếp hạng hay không…
Đặc biệt, trong Quyết định số 767/QĐ-BGTVT ngày 17/4/2018 công bố phương án cắt giảm, đơn giản 384/570 điều kiện kinh doanh, tương đương 67,36% các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông - vận tải, do Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể ký, hàng loạt điều kiện kinh doanh kiểu “can thiệp thô bạo” vào hoạt động doanh nghiệp, như lời nhiều doanh nghiệp bình luận, đã có trong dánh sách bãi bỏ, như bỏ điều kiện doanh nghiệp phải có đủ số phương tiện theo phương án kinh doanh đã được duyệt; phải có nơi đỗ xe theo phương án kinh doanh được duyệt; kinh doanh taxi phải có tối thiếu 10 xe hay 50 xe tùy theo địa bàn hoạt động…
“Lúc này, các cơ quan quản lý nhà nước phải rạch ròi trách nhiệm của mình và quyền lợi của doanh nghiệp trong kinh doanh. Có như vậy doanh nghiệp mới kinh doanh được”, ông Cung nói.