Bộ Công thương yêu cầu doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng,không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. |
Trong 2 văn bản mới nhất được ban hành trong ngày 25/8, Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu để cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.
Bước vào giai đoạn cuối năm, nhu cầu sử dụng xăng dầu phục vụ việc đi lại, sinh hoạt của người dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tăng cao (đặc biệt vào các dịp nghỉ lễ như lễ Quốc khánh 2-9, tết Trung Thu, Giáng sinh…), Bộ Công thương yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện các nhiệm vụ để bảo đảm nguồn cung, không bị gián đoạn...
Theo đó, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối xăng dầu phải chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu, bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới; Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cần chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối, cho các khách hàng một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Đối với Sở Công thương các địa phương, Bộ yêu cầu các Sở chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng ngừng bán hàng không có lý do chính đáng.
Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, Sở Công thương các tỉnh, thành phố báo cáo kịp thời về Bộ để phối hợp xử lý.
Tại kỳ điều hành gần nhất hôm 22/8, Liên bộ Công thương - Tài chính đã điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước, trong đó giữ nguyên giá với các loại xăng RON 95, E5RON92 và dầu mazut 180CST 3.5S, chỉ tăng giá với dầu điêzen 851 đồng/lít, dầu hỏa tăng 736 đồng/lít.
Sau điều chỉnh, xăng E5RON92 không cao hơn 23.725 đồng/lít, xăng RON95-III: không cao hơn 24.669 đồng/lít. Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 23.759 đồng/lít (tăng 851 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 24.056 đồng/lít (tăng 736 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 16.548 đồng/kg (ổn định so với giá bán hiện hành).
Do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, cộng với nguồn cung trong nước bị hạn chế do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất, chi nhập khẩu xăng dầu của cả nước đã tăng rất mạnh. Số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng 2022, Việt Nam nhập khẩu 5,4 triệu tấn xăng dầu các loại, tăng 14,5% so với cùng kỳ 2021. Trị giá các sản phẩm xăng dầu nhập về 7 tháng qua đạt 5,73 tỷ USD, tăng trên 3,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.