Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm sửa Luật Thuế 71 để gỡ khó cho doanh nghiệp phân bón trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. |
Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm đưa phân bón vào danh mục các mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) nhằm giảm khó khăn cho các doanh nghiệp phân bón trong nước trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động trực tiếp đến ngành sản xuất này.
Cụ thể, theo kiến nghị mà Bộ này gửi tới Chính phủ trong khuôn khổ Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sẽ diễn ra hôm 9/52020, Bộ Công Thương khẳng định, việc phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế VTA đã gây nhiều ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 3 của Luật Thuế số 71/2014/QH13, phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp...là những mặt hàng không chịu VAT, có nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế VAT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế VAT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón.
Trên cơ sở đó, toàn bộ chi phí phát sinh được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản xuất phân bón.
Ước tính, khi thực hiện Luật 71/2014/QH13, từ 1/1/2015, thì giá thành phân đạm đã tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%, phân Supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 - 6,1%.
Theo Luật Thuế 71, thuế VAT lại giảm 5% đối với mặt hàng phân bón nhập khẩu, qua đó giúp phân bón nhập khẩu có lợi thế về giá so với phân bón sản xuất trong nước. Thực tế, việc cạnh tranh giữa phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước ngày càng khốc liệt và khoảng cách ngày một nới rộng theo hướng có lợi cho phân bón nhập khẩu.
Do đó, Bộ Công Thương đề nghị Quốc hội sớm xem xét, sửa đổi Luật 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều luật về thuế theo hướng đưa phân bón là mặt hàng chịu thuế VAT ở mức 0 - 5% để giảm khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước gửi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) năm 2019, thống kê, số thuế VAT không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam từ năm 2015 đến nay đã là hơn 3.000 tỷ đồng, riêng năm 2018 là trên 583 tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc trên 143 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao 150 tỷ đồng, Công ty Cổ phần DAP VINACHEM gần 92 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình 120 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Phân lân Ninh Bình, Công ty Cổ phần Phân lân Nung chảy Văn Điển, Công ty Cổ phần Phân bón miền Nam dao động từ 35 - 50 tỷ đồng.
Riêng hai doanh nghiệp sản xuất đạm ure lớn nhất cả nước thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dấu khí (Đạm Phú Mỹ) và Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau 9Đạm Cà Mau) cũng lên tới khoảng 2.000 tỷ đồng.