Tại Dự án Đạm Ninh Bình, HĐTV và Tổng Giám đốc Vinachem đã thiếu kiểm tra, giám sát để Ban quản lý dự án Đạm Ninh Bình thay đổi thiết bị xuất xứ từ các nước EU, G7 sang thiết bị của Trung Quốc không đúng với hợp đồng |
Ngày 18/9/2017, Văn phòng Bộ Công thương phát đi thông báo cho hay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố kết luận một số nội dung, trong đó có việc xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy và một số cá nhân của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Trong số các lãnh đạo của Vinachem bị đề nghị kỷ luật có ông Nguyễn Anh Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinachem; ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty, nguyên Chủ tịch HĐTV Vinachem; ông Đỗ Quang Chiêu, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty; đồng chí Đỗ Duy Phi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Vinachem.
Bộ Công thương cho biết, trong thời gian qua, Ban cán sự đảng Bộ Công thương đã chỉ đạo, đôn đốc việc kiểm điểm tập thể, cá nhân có vi phạm khuyết điểm thuộc Vinachem.
Quan điểm của Bộ Công Thương là xử lý nghiêm minh các vi phạm, khuyết điểm này. Theo đó, Bộ Công thương khẳng định sẽ nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cấp có thẩm quyền đối với việc xử lý kỷ luật tập thể và các cá nhân có vi phạm khuyết điểm tại Vinachem.
Theo đại diện Bộ Công Thương, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng uỷ các nhiệm kỳ 2005-2010, 2010-2015 và một số thành viên HĐTV Vinachem cho thấy nhiều vi phạm nghiêm trọng đã diễn ra.
Nguồn tin từ Bộ Công thương cũng cho biết, trong số các vấn đề kiểm điểm, ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Vinachem và các lãnh đạo tập đoàn này đã có vi phạm, thiếu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện Dự án DAP số 2 Lào Cai. Chịu trách nhiệm chính về những vi phạm trong việc triển khai dự án đạm Hà Bắc.
Đặc biệt, đối với dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, mặc dù đã được các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn cảnh báo dự án hiệu quả thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, song HĐTV và Tổng Giám đốc Tập đoàn vẫn trình cấp có thẩm quyền quyết định triển khai, dẫn đến nhà máy liên tục thua lỗ với số tiền trên 2.500 tỷ đồng.
Nhiều dự án tập đoàn đầu tư không hiệu quả, trong đó có 4/5 dự án lỗ lũy kế trên 4.200 tỷ đồng.
Nghiêm trọng hơn, HĐTV và Tổng Giám đốc Vinachem đã thiếu kiểm tra, giám sát để Ban quản lý dự án Đạm Ninh Bình thay đổi thiết bị xuất xứ từ các nước EU, G7 sang thiết bị của Trung Quốc không đúng với hợp đồng...
Trước đó, Vinachem đã đề nghị Chính phủ đứng ra trả nợ thay cho Đạm Ninh Bình khoản vay 125 triệu USD từ Ngân hàng China Eximbank của Trung Quốc, còn Vinachem chỉ trả lãi và phí.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính khẳng định hiện nguồn thu của Quỹ tích lũy trả nợ rất hạn chế, hiện đang phải trả nợ thay cho nhiều dự án, doanh nghiệp gặp khó khăn như Giấy Phương Nam, Vinashin… nên quỹ không còn nguồn để hỗ trợ của Vinachem và Đạm Ninh Bình.