Về công tác tuyển sinh 2022, công văn nêu rõ các trường đại học cần phải tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh giai đoạn 2021-2025 gắn với đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Bộ Giáo Dục và Đào tạo yêu cầu các trường phải tổ chức tuyển sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả, công bằng. |
Các trường chủ động hợp tác, liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại các địa phương, tổ chức xét tuyển chung để vừa đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo nhưng cũng vừa tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho thí sinh, tránh việc thí sinh phải đi lại tốn kém hoặc phải tham dự nhiều kỳ thi.
Mặt khác, cần có các động thái chuẩn bị, tiến tới hình thành các trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học và trung tâm khảo thí độc lập.
Bộ Giáo Dục và Đào tạo yêu cầu các trường phải tổ chức tuyển sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả, công bằng; đổi mới công tác tuyển sinh, đề án tuyển sinh, xác định phương thức, hình thức tuyển sinh cần phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính công khai, minh bạch theo quy định.
Chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng phương án tổ chức tuyển sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, trong nhóm nhiệm vụ đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, có nhiệm vụ đáng chú ý mà Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường triển khai là tăng cường hợp tác quốc tế, ưu tiên phát triển các chương trình đào tạo chất lượng quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh;
Rà soát các chương trình đào tạo của nhà trường theo yêu cầu của chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học và chuẩn chương trình đào tạo các nhóm ngành, các lĩnh vực.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý các trường đẩy mạnh hội nhập quốc tế; chủ động mở rộng hợp tác song phương, đa phương; kết nối các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam với các cơ sở giáo dục Đại học uy tín của nước ngoài; thu hút chuyên gia giỏi người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài hợp tác và làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.
Đồng thời, chủ động xây dựng các chương trình hợp tác trao đổi sinh viên, giảng viên với các cơ sở giáo dục nước ngoài; chủ động, tích cực triển khai các hoạt động để nâng cao số lượng sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam.
Trong phương án tuyển sinh năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn.
Các đại học quốc gia, đại học vùng và các trường/nhóm trường đại học đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện có thể tổ chức các kỳ thi đánh giá để làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng và chia sẻ, hỗ trợ các trường khác có nhu cầu.
Trước chủ trương này, bên cạnh việc ủng hộ cũng không ít ý kiến cho rằng, các trường không nên quá vội vàng trong tổ chức thi riêng mà cần có lộ trình và sự kiểm soát của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thạc sĩ Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng, hiện nay theo Luật Giáo dục mới, các trường đại học sẽ tự chủ trong vấn đề tuyển sinh.
Những năm vừa qua rất nhiều phương thức tuyển sinh đã được sử dụng, các trường khác nhau có các phương thức tuyển sinh khác nhau, điều này tạo điều kiện cho học sinh vào các trường đại học.
Tuy nhiên, nó cũng sẽ gây ra tình trạng lạm dụng nếu không có sự kiểm soát, đồng thời học sinh và phụ huynh rất dễ bị rối loạn thông tin tuyển sinh, phương hướng ôn tập.
Hơn nữa điều kiện kinh tế xã hội, học tập, mặt bằng chung về giáo dục còn đang chênh lệch ở nhiều nơi nên thiết nghĩ trong tình hình hiện nay việc tuyển sinh chủ yếu dựa vào điểm thi THPT vẫn là lựa chọn tối ưu nhất, đảm bảo hơn sự công bằng trong giáo dục.
Đặc biệt, những trường cạnh tranh cao, chỉ tiêu ít, điểm chuẩn cao thì sự chênh lệch điểm rất nhỏ thôi cũng đã quyết định việc đỗ hay trượt.
Ở những trường này nếu phương thức tuyển sinh riêng khi xét hồ sơ có chỉ tiêu quá lớn sẽ càng tác động mạnh mẽ đến điểm chuẩn với phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên do Luật Giáo dục mới nên bộ chỉ khuyến cáo, việc quyết định vẫn nằm ở các trường đại học.
Ông Hiển cho rằng, trong năm 2022, điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn nên được ưu tiên sử dụng. Bên cạnh đó, đề thi năm 2022 cần có sự phân hóa tốt hơn nữa, đặc biệt trong khoảng điểm 8 đến 10 điểm và bắt buộc đồng đều ở các môn để công bằng giữa các khối thi và cho chính học sinh.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022.
Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2021.
Các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương theo khung thời gian tổ chức thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Thời gian tổ chức kỳ thi tại các tỉnh có thể được xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.