Đầu tư và cuộc sống
Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến về chỉ tiêu tuyển sinh đại học
D. Ngân - 05/02/2023 08:28
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo được xác định phù hợp với năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo theo quy định.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT ban hành quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo được xác định phù hợp với năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo theo quy định.

Về nguyên tắc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, Dự thảo nêu rõ, chỉ tiêu tuyển sinh đại học xác định theo từng ngành, nhóm ngành và phải bảo đảm quy mô đào tạo không vượt quá năng lực đào tạo của lĩnh vực đào tạo tương ứng.

Chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ; chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên xác định theo từng ngành đào tạo, bảo đảm quy mô đào tạo không vượt quá năng lực đào tạo của ngành đào tạo đó.

Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo, nhu cầu sử dụng nhân lực, tỉ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp (đối với đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, đại học).

Kết quả kiểm định cơ sở giáo dục và kết quả tuyển sinh của năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của cơ sở đào tạo, cụ thể, chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo được xác định phù hợp với năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo theo quy định;

Đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh theo từng ngành đào tạo ở trình độ cao đẳng, trình độ đại học hình thức chính quy trên cơ sở năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo, nhu cầu sử dụng của các địa phương và cả nước.

Dự thảo bổ sung quy định trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo, cơ sở đào tạo rà soát, đề xuất báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định theo nguyên tắc nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên của cơ sở đào tạo được thông báo và chỉ tiêu điều chỉnh của từng ngành không quá 30% so với chỉ tiêu đã thông báo cho ngành đào tạo đó.

Đối với chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng, đại học theo hình thức vừa làm vừa học và chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ tiến sĩ của các ngành đào tạo giáo viên, cơ sở đào tạo tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Về quy định giảng viên trong xác định năng lực đào tạo, mỗi giảng viên của cơ sở đào tạo được xếp vào một hoặc nhiều ngành đào tạo ở trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ đảm bảo phù hợp về chuyên môn với học phần/ môn học mà giảng viên đó tham gia giảng dạy trong chương trình đào tạo của ngành đào tạo đó;

Đồng thời, việc sắp xếp đội ngũ giảng viên phải đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng để tổ chức thực hiện chương trình đào tạo (bao gồm giảng viên toàn thời gian và giảng viên thỉnh giảng), đáp ứng yêu cầu đội ngũ giảng viên theo quy định về chuẩn chương trình đào tạo của trình độ đào tạo, lĩnh vực, nhóm ngành và ngành đào tạo.

Trường hợp một giảng viên được sắp xếp vào nhiều ngành đào tạo thì cơ sở đào tạo phải xác định cụ thể tỷ trọng tham gia của giảng viên đó đối với từng ngành nhưng đảm bảo tổng tỷ trọng của mỗi giảng viên không vượt quá 100%.

Quy định giảng viên trong xác định năng lực đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng: Tổng số giảng viên quy đổi theo lĩnh vực đào tạo (trừ nhóm ngành đào tạo giáo viên) bao gồm số giảng viên toàn thời gian quy đổi và giảng viên thỉnh giảng quy đổi tương ứng của lĩnh vực đào tạo đó;

Tổng số giảng viên quy đổi theo ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên là số giảng viên toàn thời gian quy đổi của ngành đào tạo đó (giảng viên thỉnh giảng không được tính để xác định năng lực đào tạo);

Số giảng viên thỉnh giảng quy đổi được tính tối đa bằng 10% tổng số giảng viên toàn thời gian quy đổi của cơ sở đào tạo xác định theo lĩnh vực đào tạo. 

Riêng với kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2023, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu năm học 2022, công tác tuyển sinh kéo dài khiến năm học của sinh viên bắt đầu muộn thì năm 2023, do có đề án tuyển sinh sớm hơn nên các trường đại học có thể bắt đầu năm học từ đầu tháng 9.

Hiện hơn 50 trường công bố phương án tuyển sinh năm 2023, trong đó 9 trường đại học, đại học quyết định tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (gọi chung là kỳ thi riêng) để xét tuyển đầu vào.

Chẳng hạn, Đại học quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy, Bộ Công an cũng tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh... 

Các kỳ thi riêng sẽ diễn ra từ đầu tháng 4 đến hết tháng 7/2023, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Luật Giáo dục đại học quy định các trường đại học được tự chủ trong công tác tuyển sinh. Các trường căn cứ vào quy chế tuyển sinh hiện hành để xây dựng quy chế và đề án tuyển sinh.

Năm 2023, ngoài các phương thức xét tuyển truyền thống bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, các trường cũng đẩy mạnh tổ chức, tăng chỉ tiêu cho phương thức mới, trong đó phải kể đến các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy.

Hiện, một số trường tổ chức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy ngoài việc lấy kết quả xét tuyển của cơ sở đào tạo còn được các trường khác sử dụng để làm căn cứ xét tuyển.

Bà Thủy khuyến khích thí sinh đăng ký tham dự các kỳ thi riêng nhằm tăng cơ hội xét tuyển theo các phương thức khác. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, mục đích và yêu cầu của các kỳ thi là khác nhau nên cấu trúc, định dạng đề thi, cách thức, thời gian, địa điểm tổ chức cũng khác nhau. 

Thí sinh cần xem xét kỹ đề án tuyển sinh của các trường và cân nhắc lựa chọn các kỳ thi phù hợp với sức khỏe, khả năng của bản thân. 

"Thí sinh không nên tham gia quá nhiều kỳ thi riêng, vừa lãng phí thời gian, công sức, áp lực và gánh nặng về thi cử mà khó có thể đạt được kết quả như mong muốn", Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nói.

Thí sinh cần hiểu rõ, các kỳ thi riêng có định hướng vào các lĩnh vực khác nhau. Cụ thể, kỳ thi đánh giá năng lực của 2 Đại học Quốc gia phạm vi lĩnh vực rộng; Đại học Bách khoa Hà Nội có kỳ thi chủ yếu dành cho lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, trường Đại học Sư phạm Hà Nội tập trung cho lĩnh vực đào tạo giáo viên, Bộ Công an tổ chức kỳ thi riêng cho các trường khối an ninh, công an.

Ngoài ra, bà Thủy khuyên thí sinh lưu ý tập trung ôn tập để hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì chỉ khi thí sinh tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Tin liên quan
Tin khác