Trăn trở
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, năm 2022, các trường dành hơn 31.000 chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; có hơn 9.000 thí sinh nhập học theo phương thức này (chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả phương thức). Các chuyên gia dự báo, năm 2023, số trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi tư duy, năng lực và chỉ tiêu dành cho kỳ thi riêng sẽ tăng lên so với năm 2022.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, có 7 kỳ thi riêng đánh giá năng lực sẽ được tổ chức: thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Trường đại học Sư phạm TP.HCM; thi đánh giá của Bộ Công an, thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, thi năng khiếu các trường khối ngành mỹ thuật, âm nhạc.
PGS-TS. Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) nhìn nhận, các kỳ thi riêng này là kỳ thi đánh giá tư duy mang tính đột phá, không tập trung vào việc kiểm tra kiến thức. Nguyên tắc là, không mất thời gian ôn luyện nhiều, chỉ cần chuẩn bị tâm thế tốt để đi thi, bởi việc rèn luyện tư duy là hành trình dài đã được hình thành trong suốt quá trình học.
Nhiều giáo viên phổ thông cũng chung quan điểm rằng, đây là xu hướng tất yếu mà các cơ sở giáo dục đại học sẽ áp dụng. Theo đó, đơn vị có thể xây dựng đề án tổ chức kỳ thi riêng hoặc sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh. Kết quả kỳ thi được sử dụng chung cho nhiều trường. Điều này giúp thí sinh có thêm lựa chọn và gia tăng cơ hội học đại học.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, từ năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các cơ sở giáo dục đại học cần tính toán phương thức tuyển sinh. Trong giai đoạn này, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) vẫn được tổ chức, nhưng rất khó để đáp ứng hoàn toàn cho các trường đại học xét tuyển đầu vào, vì mỗi trường có yêu cầu khác nhau.
Do đó, Bộ khuyến khích các trường đại học chủ động hợp tác, liên kết tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại địa phương; tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo. Khi tổ chức kỳ thi riêng, cần tạo điều kiện cho thí sinh, tránh việc đi lại tốn kém và phải tham dự nhiều kỳ thi.
Tuy nhiên, bên cạnh một số ý kiến đồng tình, cũng còn một số ý kiến băn khoăn về việc tổ chức kỳ thi riêng.
Một đại biểu quốc hội từng phát biểu trước nghị trường, nếu ngày càng nhiều trường đại học tổ chức kỳ thi riêng, thì thì kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện tại sẽ quay trở lại như trước kia, tức là kỳ thi tốt nghiệp chỉ để tốt nghiệp, thí sinh vẫn phải đi đến từng trường đại học để thi tuyển đầu vào. Nếu mỗi trường lại có một kỳ thi riêng, thì thí sinh lại loay hoay giữa các kỳ thi... Đại biểu này cho rằng, tốt nhất, cần phải tổ chức được một kỳ thi chung nghiêm túc, công bằng, minh bạch, để các trường đại học yên tâm sử dụng kết quả đó để xét tuyển.
Một số điều chỉnh dự kiến
Mùa tuyển sinh năm 2023, một số trường đại học sẽ công nhận chéo kết quả thi của nhau để tuyển sinh. Theo đó, các thí sinh sẽ không cần tham gia quá nhiều kỳ thi để xét tuyển đầu vào đại học. Điều này cũng tạo thuận lợi cho các trường khi xét tuyển.
PGS-TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay theo quy định, thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển nhiều nguyện vọng. Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển được thực hiện sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến có một số điều chỉnh nhỏ, chủ yếu về mặt kỹ thuật. Chẳng hạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ điều chỉnh giao diện trên hệ thống phần mềm để thí sinh truy cập thuận tiện hơn, tránh những nhầm lẫn đáng tiếc.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho hay, năm 2023, Bộ không ban hành quy chế tuyển sinh mới. Công tác tuyển sinh vẫn áp dụng quy chế, quy trình như năm 2022, nhằm tạo ổn định để thí sinh có sự chuẩn bị tốt nhất.
Ngoài tổ chức kỳ thi riêng, hiện nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2023. Phương thức tuyển sinh mà các trường đưa ra đều ổn định như năm ngoái, gồm: xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét tuyển kết hợp, xét tuyển theo kết quả các kỳ thi riêng…
Điểm thay đổi rõ nét trong dự kiến phương án tuyển sinh năm 2023 của một số trường là điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh giữa các phương thức theo hướng giảm dần tỷ lệ tuyển sinh từ kết quả thi tốt nghiệp THPT.