Đầu tư
Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân hơn 25.500 tỷ đồng, tương đương 40,7% kế hoạch vốn năm 2024
Anh Minh - 04/07/2024 11:36
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT trong 6 tháng đầu năm cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước (trung bình cả nước giải ngân đạt khoảng 28,2%).
Thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, dự án có khả năng về đích trước tiến độ 3 - 6 tháng.

Theo ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), tính đến hết tháng 6/2024, Bộ GTVT đã giải ngân là 25.500 tỷ đồng (40,7%) cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước (trung bình cả nước giải ngân đạt khoảng 28,2%). Thông tin này được ông Nguyễn Quyết Tiến đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024 vừa được Bộ GTVT tổ chức.

Lãnh đạo Cục quản lý đầu tư xây dựng cho biết, khối lượng giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn chủ yếu đến từ các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025, trong đó một số dự án thành phần đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến hoàn thành vượt tiến độ từ 3 đến 6 tháng.

“Kết quả giải ngân vốn đầu tư công có thể còn tốt hơn nếu các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được tháo gỡ sớm về nguồn vật liệu cát nền. Hiện nguồn vật liệu tại các dự án khu vực phía Nam còn khó khăn, thủ tục cấp mỏ kéo dài, công suất khai thác chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu”, ông Lê Quyết Tiến thông tin.

Một thông tin tích cực cho các chủ đầu tư, nhà thầu thi công các dự án đường cao tốc phía Nam là những vướng mắc về thủ tục khai thác cát biển đã được tháo gỡ và nhà thầu đã bắt đầu triển khai khai thác. Nếu việc thí điểm mở rộng tại Dự án thành phần cao tốc Cần Thơ – Cà Mau cho kết quả tốt sẽ là chìa khoá để giải quyết căn cơ bài toán khan hiếm vật liệu tại khu vực này trong những năm tới đây.

Được biết, với quyết tâm giải ngân tối đa số vốn đầu tư công được giao trong năm 2024 trị giá 61.900  ngàn tỷ đồng, ngay từ đầu năm Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp, coi đó là nhiệm vụ chính trị hàng đầu và gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu giải ngân phải thực chất đi đôi với sản lượng thực tế trên công trường, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ GTVT đã lựa chọn được nhà đầu tư 5/8 trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc - Nam; đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Bộ GTVT hoàn thành đưa vào khai thác 4 dự án, trong đó có 2 dự án đường bộ cao tốc được đầu tư theo hình thức BOT là Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - Bãi Vọt vào ngày 30/6 vừa qua, đã kịp thời đưa vào khai thác 19km còn lại đoạn từ Quốc lộ 46B đến Bãi Vọt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó đã đưa vào khai thác toàn bộ 11 Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020  giúp nối thông và rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội đến Vinh và từ TP.HCM đến Nha Trang, nâng tổng số km đường bộ cao tốc trên cả nước lên hơn 2.000km.

Để hoàn thành kế hoạch năm 2024, đặc biệt là công tác giải ngân, tổ chức thi công các dự án đường bộ cao tốc làm tiền đề để đạt mục tiêu hoàn thành 3.000 km vào năm 2025, Cục quản lý đầu tư xây dựng kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cần chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai, chỉ đạo nhà thầu tập trung giải quyết để tổ chức thi công các hạng mục có khối lượng lớn là đường găng của dự án trước mùa mưa năm 2024.

Trong đó ưu tiên hàng đầu là phải triển khai ngay việc tập kết các vật liệu làm móng, mặt đường tránh tình trạng khan hiếm khi các dự án đồng loạt thi công lớp móng, mặt đường; chỉ đạo nhà thầu phát huy và duy trì nhịp độ thi công, tăng cường thi công “3 ca 4 kíp” để bảo đảm kế hoạch đề ra. Với các dự án có xử lý nền đất yếu cần hoàn thành công tác đắp nền, gia tải trước tháng 10 năm 2024, làm cơ sở hoàn thành dự án vào cuối năm 2025.

“Với các dự án đã đăng ký rút ngắn tiến độ, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cần chủ động kiểm soát chặt chẽ, không chủ quan; tăng cường công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Các chủ đầu tư căn cứ kết quả thực hiện, điều kiện hợp đồng để kịp thời thay thế, điều chuyển khối lượng các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu”, ông Lê Quyết Tiến nhấn mạnh.

Ghi nhận các đề xuất nói trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam, Thanh tra Bộ tăng cường theo dõi, đôn đốc kiểm tra các dự án, bao gồm cả các dự án Bộ GTVT ủy quyền cho địa phương là chủ đầu tư để chấn chỉnh kịp thời tồn tại, hạn chế, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cản trở, cố tình gây khó khăn, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư theo dõi, kịp thời tham mưu Bộ điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024 của các dự án chậm giải ngân sang các dự án khác giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định.

Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường tập trung đẩy nhanh triển khai nghiên cứu thí điểm mở rộng sử dụng cát biển theo đúng kế hoạch để sớm có kết quả chính thức, toàn diện trong năm 2024 nhằm phục vụ cho các dự án triển khai trong thời gian tiếp theo”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo.

Tin liên quan
Tin khác