Hướng tuyến kết nối Bình Phước và Đồng Nai do UBND tỉnh Bình Phước đề xuất qua cầu Mã Đà. |
Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn số 6823/BGTVT- KHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.
Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị giao UBND tỉnh Bình Phước chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh Đồng Nai nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án kết nối tỉnh Bình Phước với đường vành đai 4 – TP.HCM (không qua cầu Mã Đà). Tỉnh Bình Phước chủ động cân đối nguồn vốn đầu tư mở rộng tuyến ĐT.753 theo kế hoạch của địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến đường Vành đai 4 – TP.HCM; giao Bộ GTVT cập nhật hướng tuyến kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai trong quá trình triển khai lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để triển khai quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Được biết, phương án kết nối tỉnh Bình Phước với Vành đai 4, không qua cầu Mã Đà có điểm đầu tuyến tại ĐT.741 TP. Đồng Xoài đi theo ĐT.753, kết nối ĐT.753 với đường Đồng Phú – Bình Dương và đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, kết nối về đường Vành đai 4 – TP.HCM, tổng chiều dài khoảng 71 km, tổng kinh phí đầu tư bổ sung thêm khoảng 530 tỷ đồng so với phương án qua cầu Mã Đà (phương án của UBND tỉnh Bình Phước).
Theo đánh giá của Bộ GTVT, đây là tuyến đường ngắn nhất, kinh phí đầu tư ít nhất; về lâu dài, thời gian di chuyển nhanh do tận dụng đường Vành đai 4 – TP.HCM, giảm tải cho các tuyến hiện hữu kết nối từ Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên về cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu; tận dụng được ĐT.753, ĐH.416 và ĐT.746 đã được đầu tư, các tuyến đường Đồng Phú – Bình Dương, Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng hiện đang được đầu tư xây dựng; ảnh hưởng thấp nhất đến khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.
Tuy nhiên, phương án này có khó khăn là tỉnh Bình Dương phải quy hoạch, bố trí thêm quỹ đất và cân đối nguồn lực địa phương để đầu tư nâng cấp các tuyến đường hiện hữu. Tỉnh Bình Phước phải bố trí kinh phí khoảng 230 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp ĐT.753 (tương đương 1/2 kinh phí của phương án kết nối qua cầu Mã Đà).
Trên cơ sở phân tích, đánh giá về thuận lợi, khó khăn, ý kiến của các địa phương, các Bộ ngành và quy định của các luật liên quan, Bộ GTVT nhận thấy phương án này có tính khả thi cao xét về các mặt tác động đến môi trường ít nhất đến khu dự trữ sinh quyển; giảm thiểu nguy cơ tác động đến môi trường và đa dạng sinh học; phù hợp với chủ trương của Đảng, không vi phạm các quy định của pháp luật và các công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết; hướng tuyến kết nối thuận tiện, về lâu dài thời gian di chuyển nhanh do tận dụng đường Vành đai 4, giảm tải cho các tuyến hiện hữu kết nối từ Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên về cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu và sân bay Long Thành; tận dụng được các tuyến đường đã và đang được đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, mạng lưới giao thông kết nối giữa tỉnh Bình Phước và các tỉnh vùng Tây Nguyên với TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ đã được quy hoạch và sẽ được nghiên cứu đầu tư xây dựng trong thời gian tới, bao gồm: đường Vành đai 4 – TP.HCM , cao tốc Đắk Nông – Chơn Thành, cao tốc TP.HCM – Chơn Thành, đường sắt TP. HCM – Dĩ An – Lộc Ninh.
Sau khi các tuyến đường cao tốc được đầu tư cùng với hệ thống các tuyến đường quốc lộ, đường địa phương đã và đang được đầu tư, khai thác sẽ đáp ứng được nhu cầu vận tải khu vực. (Kèm theo Báo cáo các phương án tuyến kết nối tỉnh Bình Phước với Đồng Nai)
Bộ GTVT cho biết, đến nay, Bộ GTVT đã nhận được ý kiến bằng văn bản của 5/6 Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 2/3 địa phương: UBND tỉnh Đồng Nai và UBND tỉnh Bình Phước. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Đồng Nai không ủng hộ phương án tuyến đi qua vùng lõi khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai.