Điểm nóng
Về đề xuất đầu tư làm đường và xây cầu Mã Đà của Bình Phước: Xin đừng “xẻ thịt” rừng xanh
Ngô Sơn - 07/04/2022 09:52
Trước đề xuất làm đường và xây cầu Mã Đà của tỉnh Bình Phước, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và nguyên lãnh đạo tỉnh Đồng Nai khẩn thiết đề nghị đừng “xẻ thịt” rừng xanh.
Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai là nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm.

Trong các số báo 39 và 40 (ra ngày 1/4 và 4/4/2022), Báo Đầu tư đã đăng tải loạt bài 2 kỳ: “Bảo vệ hay phá vỡ khu sinh quyển thế giới vì sinh kế?”. Loạt bài đề cập nội dung: tỉnh Bình Phước đề nghị đầu tư dự án xây cầu Mã Đà để kết nối sân bay Long Thành, phát triển kinh tế địa phương, nhưng tỉnh Đồng Nai và nhà khoa học lại cho rằng, việc đầu tư này sẽ phá vỡ môi trường sinh cảnh sống của các loài động vật quý, hiếm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Đồng Nai đã được UNESCO công nhận, đi ngược lại xu hướng thế giới.

Để có thêm góc nhìn đa chiều xung quanh vấn đề đã được đề cập tại loạt bài nêu trên, trong số này, Báo Đầu tư tiếp tục đăng tải ý kiến của một số nhà khoa học và nhà quản lý.

TS. Vũ Ngọc Long

SẼ TRẢ GIÁ ĐẮT

- TS. Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam

“Theo quan điểm của cá nhân tôi, không thể xây dựng cầu mới và con đường kết nối đi xuyên qua Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, vì những lý do như sau:

Có rất nhiều vấn đề vi phạm về luật pháp khi làm con đường này, như: Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020) và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định các hệ sinh thái tự nhiên trong di sản thiên nhiên phải được ưu tiên bảo tồn và phục hồi nguyên trạng tự nhiên; các giá trị cốt lõi của thiên nhiên và đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên phải được bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn.

Luật Lâm nghiệp (năm 2017) và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 nêu rõ, không ai được phép triển khai các hoạt động làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của khu rừng; gây ô nhiễm môi trường… trái quy định của pháp luật bảo vệ rừng, tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến sinh cảnh sống tự nhiên và nguồn thức ăn của động vật rừng. Đặc biệt, khu vực này có các nhóm thú lớn như voi châu Á, bò rừng, hay các nhóm vượn đen má vàng - những nhóm động vật vô cùng nhạy cảm với sự thay đổi môi trường - đang sinh sống và kiếm ăn, sinh sản.

Luật Lâm nghiệp cũng không cho phép xây dựng các con đường quốc lộ lớn và đặc biệt, theo quy định của Luật Đa dạng sinh học, trong phân khu phục hồi sinh thái và phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của các khu bảo tồn không được xây dựng công trình, nhà ở, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng - an ninh.

Mới đây nhất, ngày 10/5/2021, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Quyết định số 1527/QĐ-UBND phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 của Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Như vậy, ý định xây dựng đường Quốc lộ 13 C đi qua vùng lõi Khu bảo tồn sẽ mang lại rất nhiều tác động môi trường xấu, mà con cháu chúng ta và đời sống của muôn loài sẽ phải trả một giá đắt.

UBND tỉnh Đồng Nai đã trân trọng những giá trị của rừng tự nhiên và mối liên hệ với đời sống con người, nên từ rất sớm (năm 1977) đã đóng cửa rừng và nỗ lực đầu tư giữ nguyên vẹn các diện tích rừng tự nhiên hiện có cũng như phục hồi rừng và môi trường tự nhiên ở các vùng bị suy thoái môi trường do chiến tranh để lại. Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai là di sản của nhân loại, khu rừng đã được bảo vệ rất tốt và là niềm tự hào của toàn thể người dân Đồng Nai cũng như miền Đông Nam bộ.

Trước đây, trong 3 năm (2010 - 2013), UBND tỉnh Đồng Nai kiên quyết phản đối việc xây dựng Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trên dòng chính vùng thượng nguồn sông Đồng Nai (xã Đồng Nai thượng và xã Phước Cát 2) vì lo sợ những mất mát môi trường và đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ không gì có thể thay thế được. Chắn chắn rằng, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai cũng sẽ được bảo tồn, giữ nguyên vẹn những giá trị sinh thái tự nhiên và nhân văn của hơn 100.000 ha rừng và sinh quyển.

Đặc biệt, tôi muốn nói về Chiến khu Đ nằm trong lòng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai - căn cứ địa cách mạng lớn của miền Nam, qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Khu rừng xanh này cũng chính là biểu tượng của một nền văn hóa lịch sử lâu đời, truyền thống vẻ vang mà các anh hùng “chân đất” đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do. Ở mỗi gốc cây, con suối, tảng đá đều in dấu chân các anh và những giọt máu đào đã rơi xuống tô thắm cho màu cờ. Và cũng còn rất nhiều những người anh hùng vô danh thầm lặng ngã xuống. Xin hãy giữ yên lặng, nhẹ chân bước và đừng mang máy xúc, máy ủi ào ào tung bụi mù mịt, nghiến xuống cánh rừng xanh này, vì có thể nơi đây có các anh vẫn còn đang nằm ngủ…”.

Ông Trần Đình Thành

TRÁI VỚI MỤC TIÊU NGHỊ QUYẾT CỦA NHIỀU KỲ ĐẠI HỘI ĐẢNG

- Ông Trần Đình Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai

“Đây không phải lần đầu tiên, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tỏ rõ chính kiến không đồng thuận với đề nghị của tỉnh Bình Phước về việc xây dựng tuyến đường và cầu Mã Đà xuyên qua vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được UNESCO quyết định công nhận từ năm 2011.

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, các thế hệ lãnh đạo, quản lý và lực lượng kiểm lâm, lâm sinh của tỉnh Đồng Nai đã thể hiện rõ trách nhiệm, kiên quyết, kiên trì bảo vệ, giữ gìn toàn bộ diện tích rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng trên địa bàn.

Đồng Nai cũng là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước công bố công khai “đóng cửa rừng”. Bởi, đây là tài sản sinh thái cực kỳ quý giá của quốc gia, là “lá phổi xanh” của miền Đông Nam bộ, là khu vực rừng tự nhiên thể hiện rõ tính đa dạng sinh học với hệ thực vật rất phong phú, đa dạng và là nơi cư trú, di trú cho các loài động vật hoang dã, quý hiếm. Đây cũng là địa bàn phục vụ công tác bảo tồn môi trường thiên nhiên gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử của các di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh và địa bàn của cộng đồng các dân tộc ít người đang sinh sống ở khu vực này.

Vì vậy, nếu xây dựng dự án tuyến đường giao thông Quốc lộ 13C đi xuyên qua vùng lõi rừng chắc chắn sẽ gây ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng, làm suy giảm môi trường sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học, nhất là không còn đảm bảo các tiêu chí theo chức năng của một khu dự trữ sinh quyển thế giới mà Việt Nam đã cam kết với UNESCO.

Nếu dự án được thực hiện nhằm mục tiêu phát triển kinh tế của một hoặc vài địa phương mà làm ảnh hưởng tiêu cực đến mội trường sinh thái, gia tăng nguy cơ thu hẹp diện tích rừng tự nhiên, làm đảo lộn tính đa dạng sinh học của một khu vực, sẽ vi phạm Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học…, đồng nghĩa với việc chấp nhận hy sinh môi trường, môi sinh để đánh đổi lấy mục tiêu kinh tế đơn thuần.

Điều này trái với quan điểm, mục tiêu phát triển bền vững của đất nước mà nghị quyết nhiều kỳ Đại hội Đảng đã xác định: Phát triển nhanh, bền vững về kinh tề phải đi đôi với bảo vệ, phát triển môi trường sinh thái.

Thời gian qua, vì mục tiêu phát triển kinh tế, đã có quyết định thi công tuyến đường giao thông đi xuyên qua khu vực rừng núi, một diện tích rừng không nhỏ bị chặt bỏ, bạt đồi, khoét núi, làm thay đổi địa hình, địa mạo tự nhiên ở khu vực này. Sau nhiều năm công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, các địa phương có tuyến giao thông này đi qua cũng chưa có sự phát triển nhanh, mạnh, rõ rệt về kinh tế, đời sống, thu nhập kinh tế của cư dân cũng chưa có sự cải thiện, chuyển biến đáng kể, trong khi diện tích rừng tiếp tục bị thu hẹp thêm. Ngay lập tức, thiên nhiên đã “giận dữ”. Mỗi khi mùa mưa bão đến, đã liên tục xuất hiện tình trạng lũ ống, lũ quét cuồn cuộn, gây ngập lụt cho vùng hạ du, gây hậu quả to lớn, lâu dài về sinh mạng và tài sản của cư dân vùng hạ du.

Đây là một thực tế đáng suy ngẫm về tư duy và hành động trong quá trình phát triển”.

TS. Trần Văn Mùi

CẦN KIÊN QUYẾT VỚI VIỆC XÂY CẦU, LÀM ĐƯỜNG XUYÊN THỦNG TRÁI TIM CỦA RỪNG

- TS. Trần Văn Mùi, nguyên Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai

“Hồi tôi còn làm Giám đốc Khu bảo tồn (giai đoạn 2007-2020), cũng như nhiều nhà khoa học khác, tôi phản đối việc xây dựng Thủy điện 6, 6A ở vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi kiểm tra, thẩm định đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó khẳng định: Nơi dự kiến làm hai dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A sẽ làm mất vĩnh viễn trên 372 ha đất rừng, trong đó có hơn 128 ha đất ở khu Cát Lộc thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên; tác động đến dòng chảy hạ lưu, tác động đến nhu cầu sử dụng nước ở phía hạ du đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, vi phạm Luật Di sản văn hóa.

Bộ Tài nguyên và Môi trường còn cảnh báo các nguy cơ tiềm ẩn khác sẽ xảy ra như: khi hai dự án thủy điện được triển khai sẽ phải xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ, đường dây truyền tải, đường giao thông và sẽ tác động bất lợi đến môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội tại nơi thi công, tạo cơ hội cho các hành vi xâm hại Vườn quốc gia Cát Tiên.

Sau đó, lãnh đạo Chính phủ đã giao Bộ Công thương rà soát, đưa các dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra khỏi các quy hoạch được duyệt.

Cho nên, cũng cần phải kiên quyết với việc xây cầu Mã Đà làm đường nối xuyên “thủng” trái tim của rừng, như cách làm với 2 dự án thủy điện nói trên”.

Đồng Nai cũng là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước công bố công khai “đóng cửa rừng”. Bởi, đây là tài sản sinh thái cực kỳ quý giá của quốc gia, là “lá phổi xanh” của miền Đông Nam bộ...
Tin liên quan
Tin khác