Doanh nghiệp
Bộ Giao thông Vận tải phản hồi gì về Dự án Ga hàng hóa sân bay Long Thành của IPP Group?
Anh Minh - 26/05/2022 08:49
Đề xuất đầu tư nhà ga hàng hóa tại cảng hàng không quốc tế Long Thành của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP Group) chưa được xem xét trong giai đoạn trước năm 2025.
Bố trí mặt bằng nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa và các công trình phụ trợ tại sân bay Long Thành.

Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư- Baodautu.vn, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi IPP Group liên quan đến đề xuất đầu tư Nhà ga hàng hóa Chuyển phát nhanh, Nhà ga hàng hóa số 2, Kho Giao nhận hàng hóa tại cảng hàng không quốc tế Long Thành của doanh nghiệp do “ông trùm hàng hiệu” làm Chủ tịch HĐQT.

Được biết, Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 bao gồm 10 nhóm hạng mục công trình , trong đó có công trình Nhà ga hàng hóa số 2, Nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh (express cargo), Kho giao nhận hàng hóa (forwarder).

Tại Quyết định số 1777/QĐ-TTg ngày 11/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; chủ đầu tư các công trình thuộc Dự án thành phần 4 được giao Bộ GTVT chủ trì tổ chức lựa chọn theo quy định của pháp luật hiện hành. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của pháp luật, Bộ GTVT đã xây dựng và ban hành Thông tư số 23/2021/TT-BGTVT ngày 5/11/2021 hướng dẫn về lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án; phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay.

Bộ GTVT cho biết, Thông tư số 23 chính là cơ sở để Bộ GTVT tổ chức lựa chọn nhà đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại các cảng hàng không bảo đảm tính minh bạch, công bằng, đáp ứng khả năng cung cấp dịch vụ, phù hợp với quy định của pháp luật; trong đó bao gồm các công trình thuộc Dự án thành phần 4 nằm trong Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Trong quá trình rà soát, nghiên cứu khả năng đáp ứng khai thác đồng bộ của các Dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT cho phép ưu tiên triển đầu tư trước một số hạng mục công trình cung ứng dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc Dự án thành phần 4, bao gồm: khu bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất, xử lý vệ sinh tàu bay; khu cung cấp suất ăn trên tàu bay; khu bảo trì tàu bay (hangar); trung tâm điều hành của các hãng hàng không.

Để bảo đảm tiến độ hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và đưa vào khai thác, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam triển khai các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư các công trình dịch vụ hàng không nêu trên theo đúng quy định.

Đối với các hạng mục công trình còn lại thuộc Dự án thành phần 4 (trong đó bao gồm các công trình thuộc đề xuất của IPP Group), Cục Hàng không Việt Nam đánh giá là các hạng mục không ảnh hưởng đến hiệu quả, dây chuyền quản lý, vận hành khai thác của cảng hàng không quốc tế Long Thành và chưa cấp thiết phải đầu tư ngay trong giai đoạn đến năm 2025.

Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị sẽ tiếp tục đánh giá nhu cầu khai thác thực tế để báo cáo Bộ GTVT xem xét, quyết định triển khai lựa chọn nhà đầu tư các hạng mục công trình này tại thời điểm phù hợp theo quy định của pháp luật.

Mặc dù vậy, trong công văn gửi IPP Group, Bộ GTVT vẫn ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm của nhà đầu tư này đối với việc đầu tư các công trình Nhà ga hàng hóa số 2, Nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh (express cargo), Kho giao nhận hàng hóa (forwarder) tại cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trong thời gian tiếp theo, trên cơ sở báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT sẽ quyết định thời điểm phù hợp để triển khai các hạng mục nêu trên và công bố rộng rãi tới các nhà đầu tư theo quy định.

“Với thế mạnh của IPPG, Bộ GTVT đề nghị công ty tiếp tục quan tâm đầu tư công trình dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không, đồng thời tìm hiểu các quy định của Thông tư số 23 để bảo đảm chuẩn bị tốt hồ sơ đăng ký thực hiện các dự án”, Bộ GTVT nêu rõ.

Vào cuối tháng 4/2022, bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc IPP Group đã ký văn bản số 118 – 22/CV – LTBD gửi Bộ GTVT xin được đầu tư vào hạng mục nhà ga hạng hóa chuyển phát nhanh, nhà ga hàng hóa số 2, kho giao nhận hàng hóa sân bay Long Thành.

Cần phải nói thêm rằng, đây là các hạng mục thuộc Dự án thành phần 4, Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, dự kiến lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức xã hội hóa và được Thủ tướng Chính phủ giao toàn quyền cho Bộ GTVT tiến hành lên danh mục, lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu cạnh tranh công khai.

Ngoài hệ thống khu nhà bảo trì, sửa chữa máy bay; khu cung cấp xăng dầu; chế biến suất ăn hàng không, Dự án thành phần 4 còn bao gồm các hạng mục: nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh có diện tích 4,8 ha, công suất 100.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 8,89 triệu USD, tương đương 206,27 tỷ đồng); nhà ga hàng hóa số 2 có diện tích 7,67 ha, công suất 550.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 189,58 triệu USD, tương đương 4.168 tỷ đồng; hệ thống kho giao nhận hàng hóa với 8 kho, công suất 770.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 87,92 triệu USD, tương đương 2.057,76 tỷ đồng).

Trong trường hợp được Bộ GTVT phê duyệt, IPP Group sẽ phải huy động khoảng 286,30 triệu USD, tương đương 6.431 tỷ đồng. Quy mô đầu tư này sẽ đưa IPP Group trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai (sau Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam) tại Dự án cảng hàng không quốc Long Thành giai đoạn 1.

Tin liên quan
Tin khác