Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải. Ảnh: Chí Cường |
Tầm nhìn mới, tư duy mới
Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, việc phát triển hệ thống giao thông vận tải bền vững và thân thiện với môi trường là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển của ngành.
Tại Hội thảo "Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi - Một đích đến" do Báo Đầu tư tổ chức, ông Tiến chia sẻ rằng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường không chỉ là thách thức của riêng Việt Nam mà còn là vấn đề mang tính toàn cầu, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và kinh tế các quốc gia. Chính vì vậy, các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam, đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh như một hướng đi chiến lược trong tương lai.
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, nổi bật là Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương và Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh. Những chính sách này không chỉ dừng lại ở việc định hướng mà còn cụ thể hóa bằng những chương trình hành động và các quy định pháp luật nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là giao thông vận tải.
Tại Hội nghị COP26 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Để hiện thực hóa cam kết này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí metan trong lĩnh vực giao thông.
Theo ông Tiến, quyết định này đóng vai trò là "xương sống" cho việc triển khai các chính sách hướng tới giao thông xanh, là cơ sở để ngành giao thông vận tải xây dựng và thực hiện các kế hoạch hành động cụ thể, từ rà soát, điều chỉnh hệ thống pháp luật cho đến thúc đẩy các giải pháp công nghệ và năng lượng sạch.
Trong những năm gần đây, Bộ Giao thông Vận tải đã nhanh chóng điều chỉnh các quy định pháp lý để phù hợp với sự xuất hiện và phát triển của các phương tiện giao thông xanh, đặc biệt là xe điện.
“Từ năm 2019 đến nay, số lượng xe ô tô điện tại Việt Nam gia tăng đáng kể, từ chỉ 8 chiếc nhập khẩu trong năm 2019 lên tới 37.000 chiếc trong 8 tháng đầu năm 2024, nâng tổng số xe điện đang lưu hành lên khoảng 68.000 chiếc”, ông Tiến cung cấp thông tin.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng thừa nhận rằng việc thúc đẩy phương tiện giao thông xanh tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Các vấn đề nổi bật như chi phí đầu tư ban đầu, chi phí vận hành, sự thiếu hụt các chính sách ưu đãi và hỗ trợ, cũng như hạ tầng chưa đồng bộ là những rào cản lớn cần được giải quyết.
Đặc biệt, các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đã đặt ra lộ trình sử dụng xe bus điện cho vận tải công cộng, hướng tới chấm dứt xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030. Để thực hiện được mục tiêu này, ông Tiến cho rằng cần có sự đầu tư lớn và các giải pháp tài chính khả thi để hỗ trợ quá trình chuyển đổi.
Việc triển khai các trạm sạc điện cũng cần được quan tâm. Ông Tiến chỉ ra rằng hạ tầng điện hiện tại cần được nâng cấp toàn diện để đáp ứng nhu cầu sạc điện ngày càng tăng của các phương tiện giao thông xanh. Bên cạnh đó, quy chuẩn kỹ thuật cho các trạm sạc cũng cần được hoàn thiện để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trong sử dụng.
Phát triển giao thông xanh là một quá trình dài hơi và đòi hỏi sự nỗ lực tổng thể từ phía Chính phủ, các bộ ngành liên quan, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. “Việc triển khai hạ tầng trạm sạc không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ Giao thông Vận tải mà còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều bộ, ngành khác như Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, và Bộ Tài nguyên và Môi trường”, ông Tiến nhấn mạnh.
Đề xuất các chính sách mới
Việt Nam hiện nay đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi dành cho phương tiện giao thông xanh, bao gồm các biện pháp ưu đãi về thuế và phí. Ông Tiến cho biết Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có chính sách ưu đãi cao cho phương tiện giao thông xanh so với nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Tuy nhiên, để các chính sách này thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự hợp tác chặt chẽ từ phía doanh nghiệp, người dân và các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm tạo nên một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện cho giao thông xanh.
“Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu và đề xuất thêm các chính sách mới, đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông xanh trong tương lai. Những đề xuất này sẽ được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để xem xét và triển khai cụ thể.
Mục tiêu quan trọng vẫn là tạo ra một môi trường chính sách thuận lợi nhất cho việc phát triển phương tiện giao thông xanh, đồng thời đảm bảo sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng một nền kinh tế xanh và bền vững”, ông Tiến cho hay.
Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng chính sách trong nước, Bộ Giao thông Vận tải còn hợp tác với các tổ chức quốc tế và các đối tác toàn cầu để tìm kiếm nguồn lực và học hỏi kinh nghiệm nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Những kinh nghiệm quốc tế và sự hỗ trợ từ các đối tác sẽ giúp Việt Nam đi đúng hướng và đạt được các mục tiêu một cách hiệu quả hơn.
Như vậy, việc phát triển giao thông xanh không chỉ là một mục tiêu mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. “Chúng ta cần nhìn nhận thách thức như một cơ hội để cải thiện, đổi mới và xây dựng một hệ thống giao thông hiện đại, an toàn và thân thiện với môi trường, từ đó hướng tới một tương lai xanh cho thế hệ mai sau.”, ông Tiến nói.