Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE). |
Cần giải pháp hỗ trợ tổng thể để “xanh hóa” ngành ô tô
"Cách đây 7-8 năm, tôi đã từng đi khảo sát nhà máy sản xuất của hãng xe điện BYD. Thời điểm đó, chi phí cho phòng nghiên cứu của họ là 3,3 tỷ USD. Các doanh nghiệp nước ta không thể có số tiền đầu tư nghiên cứu lớn như vậy, vì vậy, Chính phủ phải hỗ trợ nhiều giải pháp cho doanh nghiệp", TS. Lê Xuân Nghĩa phát biểu tại Hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi - Một đích đến” do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay (29/8/2024).
Theo chuyên gia này, kinh nghiệm một số nước trong thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng xe xanh là thúc đẩy tiêu dùng nội địa (Hàn Quốc)... Đơn cử, tại Hàn Quốc, Chính phủ đưa ra các chính sách hỗ trợ sản xuất xe điện trong nước như ưu tiên mua sắm công, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xe điện nội địa… Chính sách ưu tiên dùng hàng nội địa cũng "né" được các rào cản về hội nhập, mở cửa.
Một giải pháp nữa để xanh hóa ngành ô tô là phát triển hệ thống giao thông ô tô công cộng chạy bằng điện hoặc nhiên liệu ít phát thải khí nhà kính như Thái Lan và một số quốc gia khác đang thực hiện. Nhà nước có thể tài trợ giá vé để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng loại phương tiện này.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần hỗ trợ ngành sản xuất ô tô "xanh" bằng một số giải pháp khác như: giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, phí cầu đường, hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các trạm sạc điện để đảm bảo doanh nghiệp có thể phát triển trạm sạc ở nhiều nơi với địa điểm thuận tiện cùng chi phí thấp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô điện giảm thiểu được chi phí trạm sạc, duy tu, bảo trì sửa chữa pin, đào tạo nhân lực…
“Sử dụng ô tô giảm phát thải khí nhà kính có tác dụng làm sạch môi trường, giảm cả khói bụi carbon và tiếng ồn song chi phí đầu tư lớn. Vì vậy, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt, cần có chính sách hỗ trợ của Chính phủ với một chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô và ngành cơ khí chế tạo lưỡng dụng cho cả kinh tế tiêu dùng và quốc phòng”, TS. Lê Xuân Nghĩa kiến nghị.
Cần thêm sự hậu thuẫn vốn của ngân hàng
Với 6,5 triệu ô tô và 74 triệu xe máy, Việt Nam là một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính thông qua vận tải đường bộ cao thứ nhì Đông Nam Á, sau Indonesia. Tốc độ tăng phát thải bằng phương tiện đường bộ tăng rất nhanh (khoảng 15%/năm) trong khi các nước đã và đang tìm mọi cách để cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Việt Nam có một thị trường lớn để có thể phát triển ô tô điện và xe máy điện đồng thời cũng có nguồn tài nguyên đất hiếm để sản xuất pin. Tuy nhiên, nhà nước và doanh nghiệp cần phải có chính sách và chiến lược phát triển dài hạn để làm giảm phát thải khí nhà kính, vừa phát triển ngành công nghiệp cơ khí chế tạo hùng mạnh, ứng dụng được cho cả tiêu dùng vận tải, vận chuyển và quốc phòng.
“Để phát triển được ô tô điện, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn. Đầu tư sản xuất ô tô điện cần tới hàng tỷ USD với lãi vay thấp và kỳ hạn vay dài cho một lần đầu tư. Đây là thách thức lớn của các doanh nghiệp ô tô ở Việt Nam”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận xét.
Theo chuyên gia này, một số quốc gia trong giai đoạn đầu phát triển công nghiệp ô tô thường duy trì hệ thống ngân hàng lớn đủ tiềm lực tài chính để tài trợ cho phát triển công nghiệp nặng, hoặc Chính phủ sẽ đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay bên ngoài để phát triển.
Tuy vậy, hệ thống ngân hàng Việt Nam cổ phần hóa sớm, phân hóa mạnh mẽ. Hiện các ngân hàng nhỏ cạnh tranh nhau khốc liệt, dựa trên nền tảng cho vay bất động sản hoặc thế chấp bằng tài sản là bất động sản. Điều này đã khiến mặt bằng lãi suất bị đẩy lên cao, khiến các ngành công nghiệp khác - đặc biệt là ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, trong đó có ngành ô tô điện - không thể phát triển được cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.