Mới đây, tỉnh Đồng Nai lại hạ quyết tâm di dời, chuyển đổi công năng Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 thành khu đô thị, dịch vụ, thương mại; xác định đây là một trong những dự án trọng điểm ưu tiên thực hiện. Thực tế, từ hơn 10 năm trước, Đồng Nai đã có “quyết tâm” này, nhưng dự án chỉ khởi động trên giấy.
Đã sớm nhìn ra từ… 15 năm trước
KCN Biên Hòa 1 nằm ở vị trí đắc địa ngay nút giao giữa Quốc lộ 1 và Quốc lộ 51 - cửa ngõ giao thông của khu vực phía Nam đi các tỉnh lân cận và đi các tỉnh miền Trung. Đây cũng là KCN đầu tiên và lâu đời nhất cả nước, khi hình thành từ năm 1963, với tên gọi là Khu kỹ nghệ Biên Hòa. Sau năm 1975, Khu kỹ nghệ Biên Hòa được đổi tên thành KCN Biên Hòa 1, diện tích 340 ha.
Hình thành từ rất sớm, KCN Biên Hòa 1 được coi là cái “nôi” của ngành công nghiệp miền Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng, với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Toàn cảnh Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nhìn từ trên cao Ảnh: Lê Toàn |
Thế nhưng tới nay, trải qua 60 năm hoạt động, với sự đầu tư thiếu bài bản, KCN này đã bộc lộ nhiều bất cập.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, do việc kế thừa cơ sở vật chất của các nhà máy cũ trước năm 1975, nên phần lớn nhà máy hiện nay tại KCN Biên Hòa 1 không sử dụng hiệu quả diện tích đất. Đối với các nhà máy có khả năng mở rộng sản xuất, thì thực hiện cơi nới xây mới một cách chắp vá, số còn lại để đất trống trong một thời gian dài do chưa có kế hoạch mở rộng sản xuất - kinh doanh. Với năng lực sản xuất - kinh doanh hiện nay, các nhà máy cũng khó có khả năng mở rộng hoạt động sản xuất, dẫn đến suất sinh lợi trên đất thấp.
KCN Biên Hòa 1 hình thành năm 1963, với tên gọi là Khu kỹ nghệ Biên Hòa. Sau năm 1975 thì đổi tên thành KCN Biên Hòa 1. KCN có diện tích tích 340 ha, đến nay đã lấp đầy 100%.
Hiện có 76 doanh nghiệp (6 danh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, 70 doanh nghiệp trong nước) đang thuê đất để sản xuất.
Do ô nhiễm nước thải ở KCN Biên Hòa 1 đổ ra sông Đồng Nai, từ tháng 10/2009, Chính phủ đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Đồng Nai di dời KCN này ra địa điểm khác.
Tháng 2/2014, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 260/TTg-KTN đồng ý cho UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Đề án Chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị, thương mại, dịch vụ.
Tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 111/TTg -CN chấp thuận đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch các KCN Việt Nam đến năm 2020.
Điều đáng lo ngại hơn, nước thải từ các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1 phần lớn xả thẳng ra sông Đồng Nai mà không qua xử lý. Số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho thấy, thời điểm năm 2009, KCN Biên Hòa 1 đã xả ra lượng nước thải khoảng 15.000 m3/ngày. Trong số này, chỉ có 600 m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 để xử lý, còn lại trên 14.000 m3 nước thải không qua xử lý được xả trực tiếp ra sông Đồng Nai.
Do hệ thống xử lý nước thải của KCN đã cũ kỹ, không đáp ứng được việc xử lý nguồn thải, UBND tỉnh Đồng Nai giao Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) nâng cấp hạ tầng của KCN này và Sonadezi đã thực hiện đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 ở gần đó để xử lý. Tuy nhiên, do địa hình tại đây là những đồi cao, mấp mô, nên việc đấu nối hệ thống xử lý nước thải rất khó khăn. Sau nhiều lần nâng cấp hạ tầng, đến năm 2019, chỉ có khoảng 1.000 m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 để xử lý; một lượng lớn nước thải còn lại vẫn xả ra sông Đồng Nai, gây ô nhiễm dòng sông này.
Theo kết quả phân tích của Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai), chất lượng nước sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm nặng với hàm lượng chất hữu cơ, DO chưa đạt quy chuẩn, N-NH4+, E.coli, Coliform vượt quy chuẩn. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước sạch cung cấp cho TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương...
Tình hình ô nhiễm sông Đồng Nai trở nên nghiêm trọng đến mức, năm 2013, chính quyền TP.HCM buộc phải có văn bản đề nghị tỉnh Đồng Nai sớm di dời KCN Biên Hòa 1 để cứu sông Đồng Nai và cứu 20 triệu dân sống trên lưu vực sông, vì nước sông Đồng Nai là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu dân ở TP.HCM thông qua Nhà máy Nước Thủ Đức, Nhà máy Nước Tân Hiệp và Nhà máy Nước Bình An.
Rồi 10 năm… lúng túng
Không phải đến khi chính quyền TP.HCM có văn bản “kêu trời” về việc ô nhiễm môi trường ở sông Đồng Nai do nước thải ở KCN Biên Hòa 1 thải ra, mà từ tháng 10/2009, Chính phủ đã đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Đồng Nai di dời KCN này ra địa điểm khác. Đến tháng 2/2014, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 260/TTg-KTN đồng ý cho UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Đề án Chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị, thương mại, dịch vụ.
Dù được Chính phủ đồng ý, nhưng 7 năm sau, Đồng Nai vẫn loay hoay chưa thể di dời, dù đã được đưa vào danh mục dự án ưu tiên đầu tư.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đã cân nhắc tính toán nhiều phương án, trong đó, việc di dời KCN Biên Hòa 1 là phương án tối ưu nhất, không chỉ khắc phục ô nhiễm môi trường cho Đồng Nai, mà cho cả các địa phương lân cận, đặc biệt là TP.HCM.
Và nguyên nhân chậm di dời, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, do đây là dự án di dời KCN đầu tiên của cả nước, chưa có nơi nào chuyển đổi một KCN sang khu đô thị, nên địa phương cũng lúng túng. Khi được Chính phủ đồng ý phê duyệt di dời vào năm 2014, thì đến năm 2017, Đề án mới hoàn chỉnh và trình UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt. Đến lúc này, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường và các quy định liên quan không còn phù hợp với đề án đã xây dựng.
Trong đó, việc giao Sonadezi làm chủ đầu tư mà không qua đấu thầu là không đúng quy định. Hơn nữa, theo Luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2014, nếu doanh nghiệp xếp vào loại đặc biệt gây ô nhiễm, thì cần có thời gian để khắc phục và lộ trình chuyển đổi. Vì vậy, việc áp dụng quy định của 10 năm trước để chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 không còn phù hợp với các quy định hiện nay.
Đồng Nai ra “tối hậu thư”
Cuối tháng 2/2024, một lần nữa, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 324/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị, thương mại, dịch vụ. Theo Đề án đã phê duyệt, Đồng Nai ra “tối hậu thư” di dời KCN Biên Hòa 1 với thời hạn cuối cùng là hết tháng 12/2025.
Việc di dời được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I (hoàn thành trước tháng 12/2024) sẽ di dời, giải phóng mặt bằng toàn bộ đối với 10 công ty và một phần diện tích của 4 công ty khác. Các doanh nghiệp này chủ yếu ở khu I (tiếp giáp với cầu An Hảo), với diện tích 75,1 ha. Giai đoạn II (hoàn thành trước tháng 12/2025) sẽ di dời toàn bộ các doanh nghiệp còn lại.
Sau khi phê duyệt Đề án Chuyển đổi KCN Biên Hòa 1, hiện tại, UBND tỉnh Đồng Nai giao các sở, ngành như Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu các giải pháp hỗ trợ giải phóng mặt bằng; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu giải pháp hỗ trợ người lao động…
“Dự kiến, phương án bồi thường và hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động khi di dời sẽ được UBND tỉnh Đồng Nai trình HĐND thông qua trong quý II/2024. Sau khi phương án bồi thường và hỗ trợ được phê duyệt, các cơ quan chức năng liên quan sẽ thông tin đến doanh nghiệp để chủ động trong việc di dời”, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai thông tin.
Theo phê duyệt Đề án Chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị, thương mại, dịch vụ mới đây nhất của UBND tỉnh Đồng Nai, tại đây sẽ có hai dự án đầu tư, gồm khu vực Trung tâm Chính trị - Hành chính tỉnh Đồng Nai (diện tích khoảng 44 ha) và Khu đô thị - dịch vụ Biên Hòa 1 (diện tích hơn 286 ha).
Mục tiêu của Đề án là xây dựng một khu đô thị - dịch vụ - thương mại mới văn minh, hiện đại và phát triển bền vững, tạo bộ mặt mỹ quan đặc trưng cho khu vực nói chung và TP. Biên Hòa nói riêng. Đồng thời, cải thiện môi trường, hạn chế ô nhiễm môi trường nước của hệ thống sông Đồng Nai.
Tại Dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính tỉnh Đồng Nai đang triển khai các dự án Trụ sở Công an tỉnh (diện tích gần 6 ha) và Trụ sở Kiểm toán Nhà nước khu vực XIII, diện tích 0,5 ha.
Tại Dự án Khu đô thị - dịch vụ Biên Hòa 1 có 2 công trình hiện hữu đề xuất giữ lại, gồm tòa nhà Sonadezi (diện tích khoảng 1,2 ha) và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (diện tích khoảng 2,2 ha).
(Còn tiếp)