Tàu SAR 413 của Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải khu vực 3 |
Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép bộ này được gia hạn thời gian báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần trước ngày 20/9/2018.
Lý do được Bộ Giao thông vận tải đưa ra là số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Giao thông vận tải khả lớn và hoạt động thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Vì vậy, hiện Bộ hiện đang chỉ đạo, lấy ý kiến thống nhất danh mục, lộ trình chuyển đổi và đặc biệt là xác định tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước khi thực hiện chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang công ty cổ phần để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định.
Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Giao thông vận tải hiện quản lý 82 đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm:
Lĩnh vực quản lý dự án: 16 Ban Quản lý dự án, gồm: 13 Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải, 3 Ban Quản lý dự án thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Đây là các đơn vị sự nghiệp làm chức năng đại diện chủ đầu tư, thay mặt Bộ Giao thông vận tải để quản lý các dự án do Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Lĩnh vực y tế có 20 đơn vị bao gồm 9 Bệnh viện; 10 Phòng khám và Trung tâm y tế trực thuộc Cục Y tế Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam; 1 Trung tâm y tế thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo gồm 20 đơn vị bao gồm: 11 Trường đại học, cao đẳng, học viện trực thuộc Bộ Giao thông vận tải; 4 Trường trung cấp, trung cấp nghề trực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam; 4 Trường cao đẳng trực thuộc Cục Hàng không Việt Nam và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; 1 Trường cao đẳng thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới có 13 đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam;
Lĩnh vực dịch vụ khoa học và công nghệ, tư vấn cầu, đường bộ có7 đơn vị (2 Viện thuộc Bộ GTVT là Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải; 5 Trung tâm Kỹ thuật đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam);
Lĩnh vực thông tin và truyền thông có 4 đơn vị (1 Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Bộ, Báo Giao thông và Tạp chí GTVT, 1 Trung tâm thông tin An ninh hàng hải thuộc Cục Hàng hải Việt Nam);
Lĩnh vực quản lý bến tàu thủy có 1 đơn vị (Cụm phà Vàm Cống thuộc Tổng cục Đường Bộ Việt Nam) và lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn hàng hải có 1 đơn vị.