Công văn số 8992 do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông ký gửi UBND TP Đà Nẵng mới đây, nêu rõ: Trong bối cảnh hiện nay, nguồn lực đầu tư từ ngân sách gặp nhiều khó khăn, không thể ghi kế hoạch vốn ngân sách trung hạn cho dự án giai đoạn 2016-2020 được, để sớm thực hiện triển khai dự án, Bộ GTVT đã giao Ban QLDA đường sắt triển khai lập đề xuất Dự án theo hình thức đối tác công tư theo hình thức sử dụng quỹ đất tại ga Đà Nẵng (hiện tại) để thanh toán cho nhà đầu tư (Hợp đồng Xây dựng-Chuyển giao).
Trong trường hợp thành phố Đà Nẵng đồng thuận hình thức đầu tư BT, đề nghị UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm xác định diện tích, giá trị diện tích dự kiến để thanh toán cho nhà đầu tư và có văn bản gửi Bộ GTVGT làm cơ sở xây dựng phương án đầu tư.
Ga Đà Nẵng hiện tại. Do nằm trung tâm thành phố nên đã gây ra nhiều bất cập về quy hoạch đô thị Đà Nẵng trong tương lai cũng như tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội. |
Về dự án này, hiện nay UBND TP Đà Nẵng đang cùng với WB thực hiện Dự án “Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị”. Tại thông báo số 162/TB-VP ngày 1/7/2016, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chỉ đạo về định hướng thực hiện đối với quy hoạch nhà ga cũ.
Vì vậy, Bộ GTVT cũng kiến nghị để tránh trùng lặp trong nội dung nghiên cứu, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Đà Nẵng sớm có văn bản xác định phân chia hạng mục đầu tư do thành phố thực hiện hoặc Bộ GTVT đầu tư theo hình thức BT làm cơ sở xây dựng phương án.
Việc di dời ga đường sắt Đà Nẵng và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm thành phố được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương tại Thông báo số 186/TB-VPCP, ngày 05/5/2014 tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng và phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển ngành GTVT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ GTVT.
Theo khái toán, để thực hiện Dự án có thể lên 8.000, 9.000 tỷ đồng cho cả việc di dời nhà ga cũ và xây dựng nhà ga mới cũng như tái phát triển đô thị Đà Nẵng.
Tại vị trí nhà ga cũ, trong nhiều lần làm việc với WB, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà nẵng cho rằng, thành phố không trông chờ nhiều từ việc khai thác quỹ đất. Vì theo tính toán, số tiền cũng không nhiều, khoảng 600 tỷ đồng.
Vì vậy, về cơ chế đầu tư, UBND TP Đà Nẵng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế khai thác nguồn lực, hạng mục nào nào theo hình thức BT, cái nào BOT, từ nguồn nào…?
Trong khi đó, với dự án này, hiện WB đang hỗ trợ TP Đà Nẵng thực hiện nghiên cứu tiền khả thi Dự án, theo kế hoạch, đến tháng 9/2016, WB sẽ hoàn thành. Do nguồn vốn đầu tư lớn, cần có nguồn ODA để hỗ trợ triển khai dự án nên TP Đà Nẵng đã đề nghị JICA cùng tham gia với WB để hỗ trợ nguồn ODA cho dự án, trước mắt, đề nghị JICA đưa dự án vào Danh mục tài trợ vay vốn ODA Nhật Bản giai đoạn 2016-2020.