Thời sự
Bộ GTVT đề xuất xem xét nghiên cứu lộ trình đưa ACV trở lại là DNNN
Anh Minh - 03/09/2019 21:48
Đây là một trong những kiến nghị rất đáng chú ý của Bộ GTVT tại Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất do ACV quản lý khai thác.


Theo thông tin của baodautu.vn, Văn phòng Chính phủ đang tiến hành lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan đến Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý vừa được Bộ GTVT trình xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Lúng túng quản lý tài sản khu bay

Trước đó, vào tháng 7/2019, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý nhằm cụ thể hóa Nghị định số 44/2018/NĐ-CP ngày 13/3/2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không và tháo gỡ những vướng mắc lớn trong quá trình vận hành khai thác hệ thống tài sản khu bay tại 21 cảng hàng không do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV quản lý.

Đề án này được Bộ GTVT đánh giá là hết sức cần thiết, đảm bảo tài sản của Nhà nước được quản lý, khai thác an ninh, an toàn tuyệt đối, tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được bảo toàn, bảo trì, đầu tư kịp thời, đồng bộ theo quy hoạch, đúng quy định, phát huy hiệu quả đầu tư, đưa lại lợi ích kinh tế xã hội cho đất nước.

Theo Bộ GTVT, ngoài các tài sản đã được tính vào giá trị của các doanh nghiệp như  ACV, Tổng công ty Đảm bảo an toàn bay Việt Nam, Vietnam Airlines… tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại Việt Nam còn bao gồm tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý.

Trong số này, đáng chú là kết cấu hạ tầng, trang thiết bị tại 21 cảng hàng không, sân bay không tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa ACV thời điểm 6/2014 và hiện thuộc Bộ GTVT như: đường cất hạ cánh, đường lăn, máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp hoạt động bay như hệ thống hạ cất cánh chính xác ILS, hệ thống đèn đêm và một số tài sản do địa phương đầu tư tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.

Theo Bộ GTVT, trước khi thực hiện cổ phần hóa ACV, các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý nằm trong giá trị tài sản của ACV. Thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và hàng năm của ACV, Bộ GTVT với vai trò là chủ sở hữu nhà nước đã chấp thuận cho ACV đầu tư các dự án phát triển cảng hàng không, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không. ACV chịu trách nhiệm đầu tư, quản lý, khai thác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan bằng nguồn vốn của ACV.

Tuy nhiên sau khi CPH ACV, việc thực hiện công tác bảo trì, đầu tư nâng cấp, mở rộng khối tài sản này gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, các đường cất hạ cánh, đường lăn tại các cảng hàng không có công suất khai thác lớn (như Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài) đã vượt tần suất khai thác so với tính toán thiết kế ban đầu, xuất hiện các hư hỏng có nguy cơ uy hiếp an toàn bay và cần phải được đầu tư nâng cấp.

Trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020 để đầu tư việc sửa chữa nâng cấp này (khoảng 4.210 tỷ đồng). Tuy nhiên, thực tế đến nay nguồn đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2016 – 2020 và nguồn ngân sách nhà nước cho công tác bảo trì vẫn chưa được bố trí cho kết cấu hạ tầng hàng không.

Trong bối cảnh ngành hàng không dân dụng Việt Nam đang phát triển nhanh, đòi hỏi phải có mô hình quản lý khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không vừa tiếp nối được hệ thống đã có để đảm bảo không gián đoạn hoạt động hàng không, vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng thì cần thiết phải xây dựng Đề án quản lý khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không. Đồng thời cũng làm rõ thực tế nhóm tài sản này cần được nhà nước có sự quan tâm, ưu tiên cơ chế đầu tư để hoạt động hàng không được thường xuyên, liên tục, an toàn, đảm bảo không được đóng cửa sân bay do những nguyên nhân chủ quan.

Theo Bộ GTVT, phương án giao tài sản kết cấu hạ tầng hàng không cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không quản lý sẽ phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Điều 5 Nghị định 44/2018/NĐ-CP, gắn trách nhiệm của cơ quan nhà nước với tài sản do nhà nước đầu tư, quản lý; tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Để có thể thực hiện theo phương án này; Bộ GTVT đã chỉ đạo triển khai rà soát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của Cục Hàng không Việt Nam (là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng không), phân tích, đánh giá, kiểm tra mức độ sẵn sàng của Cục Hàng không Việt Nam khi tiếp nhận nhiệm vụ quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.

Tuy nhiên, báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy: với cơ cấu tổ chức bộ máy của Cục Hàng không Việt Nam như hiện nay, đồng thời với việc cần thiết phải có thời gian để hoàn thành danh mục toàn bộ tài sản nhà nước sau khi cổ phần hóa ACV theo quy định của Nghị định 44/2018/NĐ-CP thì Cục Hàng không Việt Nam chưa thể đáp ứng ngay các điều kiện để trực tiếp tổ chức quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại các cảng hàng không, sân bay trong cả nước, đảm bảo an ninh, an toàn và đảm bảo các quy định của tổ chức ICAO. 

Giao ACV tiếp tục quản lý, đầu tư

Quá trình vận hành khai thác hệ thống tài sản khu bay tại 21 cảng hàng không do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV quản lý đang gặp nhiều mắc mứu.


Tại Đề án này, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng phê duyệt Đề án và giao ACV quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến hết năm 2025. Sau thời hạn trên, giao Bộ GTVT tổng kết đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chuyển tài sản kết cấu hạ tầng hàng không cho cơ quan quản lý nhà nước về hàng không quản lý, sử dụng.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ cho phép các Bộ, ngành liên quan làm thủ tục để sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 151/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ nhằm quy định chi tiết và làm rõ Điều 99 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng số tiền thu được từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được sử dụng để chi trả các chi phí quản lý khai thác, chi phí bảo trì, chi đầu tư, nâng cấp, mở rộng tài sản kết cấu hạ tầng hàng không và trả nợ vốn vay, vốn huy động (nếu có); thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật; phần còn lại được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước, nhà nước ưu tiên bố trí số tiền đã nộp ngân sách để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo, phát triển kết cấu hạ tầng hàng không theo quy định (phù hợp với nguyên tắc tại khoản 3 Điều 85, điểm d khoản 1 Điều 99 Luật quản lý, sử dụng tài sản công).

Đối với nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, Bộ GTVT kiến nghị dùng để bảo trì, sửa chữa, đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không dân dụng thuộc Bộ Quốc phòng do Doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng hàng không ACV đang khai thác;

Trong giai đoạn Nghị định 151/2018/NĐ-CP chưa được sửa đổi, bổ sung, Bộ GTVT đề nghị  Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép Doanh nghiệp được giao quản lý, sử dụng khai thác(ACV) được tiếp tục sử dụng nguồn thu để chi trả các chi phí liên quan đến hoạt động khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không như giai đoạn 31/12/2017 trở về trước đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại văn bản số 1261/VPCP-V.I ngày 02/02/2018 bao gồm: chi phí hoạt động thường xuyên; chi phí bảo trì, sửa chữa, duy tu; chi phí đầu tư, nâng cấp, mở rộng; ... để đảm bảo các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được khai thác thường xuyên, liên tục, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối

Trong giai đoạn thực hiện Đề án được phê duyệt, số tiền thu được từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được sử dụng để chi trả các chi phí quản lý khai thác, chi phí bảo trì, sửa chữa, đầu tư, nâng cấp, mở rộng tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, trả nợ vốn do Doanh nghiệp cảng đã ứng trước để đầu tư nâng cấp, mở rộng tài sản kết cấu hạ tầng hàng không hiện có; thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật. Phần còn lại sau khi kết thúc thời gian giao được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước, nhà nước ưu tiên bố trí số tiền đã nộp ngân sách để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo, phát triển kết cấu hạ tầng hàng không theo quy hoạch hoặc xử lý theo Đề án quản lý, khai thác giai đoạn tiếp theo được phê duyệt.

Đặc biệt tại Đề án này, Bộ  GTVT kiến nghị Chính phủ giao các bộ ngành nghiên cứu xem xét lộ trình mua lại phần vốn do các cổ đông ngoài nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa ACV, để ACV là doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện đảm bảo cao nhất về an ninh quốc phòng cho hoạt động hàng không. ACV được CPH từ năm 2015, hiện Nhà nước nắm 95,4% vốn điều lệ, các cổ đông nước ngoài nắm 3,59%, các cổ đông khác nắm 0,87%.

Hiện nay trên toàn quốc có 22 cảng hàng không đang khai thác, trong đó 10 cảng hàng không quốc tế, 12 cảng hàng không nội địa. Tất cả 22 cảng hàng không đạt tiêu chuẩn khai thác của Tổ chức hàng không dân dụng ICAO, trong đó 18 sân bay đạt cấp 4C, 4D và 4 sân bay đạt cấp 3C. Tổng công suất thiết kế toàn mạng cảng hàng không trong năm 2018 đạt 95 triệu hành khách/năm.

Ngoại trừ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) được đầu tư và khai thác bởi Nhà đầu tư tư nhân, 21 cảng hàng không còn lại hiện tại đều do ACV vận hành khai thác.

ACV từng không thuộc đối tượng CPH

Trước đó, vào ngày 19/7/2019, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thưChủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị họp xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Vũ Văn Ninh, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Ban cán sự đảng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị nhận thấy: Với cương vị Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Ban cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ (phụ trách lĩnh vực đổi mới doanh nghiệp từ tháng 8/2011 đến tháng 4/2016), đồng chí Vũ Văn Ninh đã ký các văn bản đồng ý cho giảm và thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Công ty CP cảng Quy Nhơn; bán phần vốn nhà nước hiện có tại Công ty CP cảng Quảng Ninh; đồng ý chủ trương để Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà sau khi nhận chuyển giao Công ty cổ phần cảng Nha Trang tiếp tục được thoái vốn nhà nước theo hướng nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối; đồng ý chủ trương CPH Công ty mẹ - ACV (doanh nghiệp này không thuộc đối tượng CPH); đồng ý chủ trương CPH 10 đoạn quản lý đường thuỷ nội địa, đây là các đơn vị sự nghiệp kinh tế chưa được quy định cổ phần hoá. Nội dung những văn bản đồng chí Vũ Văn Ninh đã ký nêu trên trái với Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ về CPH, thoái vốn nhà nước gắn với tái cơ cấu DNNN...

Tin liên quan
Tin khác