Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) kiên trì quan điểm chưa thể bỏ hộ khẩu giấy từ giữa năm 2021. |
Tiếp tục thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau tại dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) sáng 21/10, đa số đại biểu Quốc hội đều chưa yên tâm với phương án bỏ hộ khẩu giấy từ giữa năm sau.
Luật Cư trú (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội từ kỳ họp thứ 9, với chính sách mới là chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú mới bằng số định danh cá nhân, bỏ sổ hộ khẩu giấy đã được sử dụng nhiều năm nay.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận, đa số ý kiến đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú. Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong trường hợp này không được coi là công cụ quản lý cư trú như hiện nay mà chỉ đơn thuần là giấy tờ xác nhận nơi cư trú công dân.
Bởi mặc dù việc chuyển sang phương thức quản lý cư trú mới là hết sức cấp bách và cần được thực hiện ngay từ thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành (1/7/2021), nhưng trong giai đoạn đầu khi việc bảo đảm điều kiện kỹ thuật cho kết nối liên thông giữa các Bộ, ngành, địa phương với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú vẫn đang trong quá trình triển khai, hoàn thiện, thì khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc giao dịch tại các cơ quan, tổ chức chưa kịp triển khai xong việc kết nối liên thông hoặc với các tổ chức, cá nhân bên ngoài hệ thống các cơ quan nhà nước, người dân vẫn phải có giấy tờ nhất định để chứng minh về nơi cư trú của mình.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, việc cho phép người dân tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sẽ tránh được việc làm phát sinh thêm thủ tục, thêm khó khăn, phiền phức cho người dân, tạo áp lực quá lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm Luật mới có hiệu lực thi hành. Ở những nơi đã hoàn thành việc kết nối liên thông, khai thác, sử dụng chung Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân được sử dụng số định danh cá nhân để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú; cơ quan nhà nước không được yêu cầu người dân phải nộp thêm giấy tờ xác nhận về cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, có ý kiến vẫn còn lo ngại rằng thời điểm 31/12/2022 có thể vẫn chưa bảo đảm để hoàn tất việc kết nối liên thông, chuyển đổi số đối với quản lý thông tin về cư trú trong toàn xã hội, nên cần kéo dài hơn nữa thời hạn này, ông Tùng cho biết.
Tuy nhiên, một số ý kiến nhất trí với quy định như trong dự thảo Luật đã trình tại kỳ họp thứ 9 là Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành là từ ngày 1/7/2021 bởi cho rằng phương thức quản lý cư trú mới là tiến bộ, cần được thực hiện ngay một cách đồng bộ. Quy định như vậy cũng tạo áp lực để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần tích cực, khẩn trương hơn nữa trong việc hoàn thành sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử.
Đối với gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ và hàng chục thủ tục ở các cấp chính quyền địa phương đang có yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan sẽ khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, bảo đảm có thể thực hiện thông suốt, thống nhất ngay từ ngày 01/7/2021.
Do ý kiến còn khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thiết kế nội dung này thành 2 phương án tương ứng với 2 loại ý kiến nêu trên.
Phương án 1: Quy định Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.
Phương án 2 (như Chính phủ trình): Quy định Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2021).
Phân tích ở nhiều góc độ, song tuyệt đại đa số các ý kiến tham gia thảo luận đầu giờ sáng 21/10 đều chọn phương án 1, với lý do lớn nhất là tránh phiền hà cho dân và để cơ quan nhà nước kịp thích ứng.
Dẫn thông tin từ một số quyết định có liên quan của Chínnh phủ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) nhấn mạnh, đến hết năm 2025 có thể vẫn chưa hoàn thành việc kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu về dân cư. Mà trong bối cảnh hiện nay thì việc dành nguồn lực để đảm bảo hoàn thành nhanh cơ sở dữ liệu về dân cư trước 1/7/2021 rất khó khả thi.
Bỏ hộ khẩu là vấn đề lớn cần xem xét đánh giá thận trọng, tránh làm khó cho người dân. Luật Quốc hội đã ban hành, khi găp khó khăn không thể sửa đổi 1 sớm 1 chiều, Thường vụ Quốc hội cũng đã cân nhắc kỹ lưỡng để trình Quốc hội phương án 1. Phương án này cũng không làm ảnhh hưởng đến quyết tâm của Chính phủ và Bộ Công an và cũng không ảnh hưởng đến hiệu lực của luật nhưng sẽ tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân, đại biểu Dung phân tích.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phan Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng đến 1/7/2021 thì công an có thể hoàn thành cơ sở dữ liệu về dân cư nhưng các cơ quan khác như thuế, hải quan, bảo hiểm y tế , bảo hiểm xã hội...chưa theo kịp, sẽ rất phiền hà cho dân.