Hôm nay (11/1/2024), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự kiến sẽ tới dự.
Vượt qua ý nghĩa của một hội nghị tổng kết ngành, Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể coi là một cuộc “ra quân” đầu năm để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đưa nền kinh tế đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Cách đây ít ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, với 6 trọng tâm, 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Cùng với đó, cũng đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Cả hai nghị quyết này - kim chỉ nam cho nền kinh tế trong năm 2024 - đều được ban hành từ sự tham mưu chính sách của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đóng vai trò tham mưu tổng hợp, chiến lược cho Đảng, Nhà nước và là “kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế”.
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được tổ chức tại NIC |
Hội nghị được tổ chức tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) - là hạt nhân và là đầu tàu tiên phong trong việc hình thành đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Cơ sở này mới được khánh thành vào cuối tháng 10/2023 và trở thành một sự kiện quan trọng của kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023.
Trong báo cáo tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự kiện này cũng được nhấn mạnh. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, đã bước đầu viết nên câu chuyện về đổi mới sáng tạo, dần định hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Đây chỉ là một trong những nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong suốt 1 năm vừa qua. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược của Đảng và Nhà nước, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.
Bộ đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm, phấn đấu hoàn thành một khối lượng công việc lớn, bảo đảm tiến độ, chất lượng, trong đó phần lớn là các việc quan trọng có tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong năm 2023, Bộ đã kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình để từ đó tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kịch bản phát triển phù hợp cũng như những giải pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu các tác động tiêu cực và đạt được mục tiêu kép trong phát triển kinh tế - xã hội.
Các giải pháp được Bộ đưa ra đều là các giải pháp mạnh, có trọng tâm, đủ độ sâu và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, và phát triển doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững gắn với tiến trình phục hồi xanh toàn cầu.
NIC - hạt nhân tiên phong của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia được khánh thành vào cuối tháng 10/2023 |
Đồng thời, Bộ đã làm tốt công tác tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi, gia tăng niềm tin và khơi dậy tinh thần kinh doanh, tinh thần sáng tạo và bản lĩnh của doanh nghiệp.
Cùng với đó, tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách phát huy mô hình kinh tế mới (kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn...) và các yêu cầu phát triển bền vững hậu Covid-19; phát huy vai trò tích cực trong công tác truyền thông chính sách, qua đó góp phần đáng kể tạo đồng thuận xã hội, ổn định tâm lý thị trường…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã kịp thời tham mưu các giải pháp, cơ chế, chính sách góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tranh thủ tận dụng tối đa thời cơ để phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Một phần quan trọng nhờ những nỗ lực này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế Việt Nam năm 2023 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó có tăng trưởng GDP 5,05%; lạm phát được kiểm soát ở mức 3,25%; kinh tế vĩ mô được đảm bảo; thu hút đầu tư nước ngoài tích cực; giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện…
Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định sẽ nỗ lực, trí tuệ và đột phá hơn nữa trong công tác tham mưu, nhằm đưa nền kinh tế hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra.