Chương trình “Thử thách sáng tạo cùng công nghệ trí tuệ nhân tạo – AI Accelerator Challenge 2021 (AAC 2021)” đã tổ chức Ngày hội đầu tư cho 5 start-up xuất sắc nhất tham gia chương trình. Chương trình do Bộ Khoa học Công nghệ chủ trì, với sự tài trợ và hỗ trợ của Chương trình Aus4Innovation.
Được khởi động từ tháng 2/2021 với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo trong Đại dịch - Thích ứng với giai đoạn bình thường mới”, AAC 2021 có mục tiêu tìm kiếm, ươm tạo và phát triển những ứng dụng công nghệ trí tuệ tiềm năng nhất trong đa dạng lĩnh vực, bao gồm: tài chính, thương mại, điện tử, viễn thông, sản xuất, nông nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông, thành phố thông minh.
Trải qua các vòng tuyển chọn hồ sơ, từ 111 hồ sơ ban đầu, 15 dự án đã được lựa chọn đào tạo và 5 dự án xuất sắc nhất đã được lựa chọn để trải qua khóa huấn luyện chuyên biệt trong 16 tuần nhằm bồi dưỡng các kiến thức, kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp để các start-up hoàn thiện mô hình kinh doanh và nâng cao khả năng trình bày trước nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng.
Cyber Apply Vietnam, EM&AI, MOVAN ISO, tMonitor và MiSmart là 5 startup được Bộ Khoa học & Công nghệ tuyển chọn để giới thiệu với các nhà đầu tư và cộng đồng khởi nghiệp.
Máy bay không người lái của MiSmart . |
Theo đó nhóm Cyber Apply Vietnam sử dụng trí tuệ nhân tạo để lọc nội dung có hại trên Internet, không những giúp trẻ em trên toàn thế giới sử dụng Internet an toàn hơn mà còn giúp các doanh nghiệp viễn thông tiết kiệm đến 90% chi phí nhân lực trong việc kiểm duyệt nội dung họ cung cấp.
Nhóm EM&AI cung cấp giải pháp trí tuệ nhân tạo toàn diện, cung cấp cho các trung tâm chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp phương pháp mới để nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc của nhân viên từ đó cải thiện trải nghiệm của khách hàng và giảm chi phí vận hành lên đến 60%.
Nhóm MiSmart đang giúp nông dân Việt Nam tiết kiệm đến 99% lượng thuốc trừ sâu bằng cách cung cấp máy bay không người lái để quét trên các cánh đồng nhằm phát hiện các khu vực bị nhiễm sâu bệnh và tự động gửi thông tin để máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu phù hợp và chính xác.
Nhóm MOVAN ISO giúp hàng chục nhà máy tại Việt Nam với quy mô hàng ngàn nhân viên tự động hóa các quy trình phức tạp theo tiêu chuẩn ISO với chi phí hợp lý và dễ dàng triển khai.
Nhóm tMonitor cung cấp hệ thống giám sát chất lượng không khí trong nhà theo thời gian thực giúp đưa ra các cảnh báo kịp thời về chất lượng không khí, tạo điều kiện sống và làm việc tốt hơn cho mọi người.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao các dự án đã qua các vòng lựa chọn, có cơ hội thuyết trình về thành tựu trước các nhà đầu tư, đối tác. Ônghy vọng thông qua thử thách các nhà đầu tư sẽ biết thêm về cộng đồng khởi nghiệp sôi động, khám phá tiềm năng của startup AI ở Việt Nam.
“Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động để ứng phó với sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong đó đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến đang được coi là một trong các yếu tố then chốt nhằm tăng khả năng chống chịu của doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, trí tuệ nhân tạo là một trong các công nghệ cốt lõi đầy hứa hẹn sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội chủ chốt của Việt Nam”, ông Duy cho biết.
Chương trình ACC 2021 nằm trong khuôn khổ gói hỗ trợ của Chính phủ Australia thông qua Chương trình Aus4Innovation với mục tiêu thúc đẩy trí tuệ nhân tạo hỗ trợ đối phó với đại dịch COVID-19 cũng như thích nghi với tình hình bình thường mới của Việt Nam.
Ông Kim Wimbush, Giám đốc Chương trình Aus4innovation, đánh giá: “Việt Nam đã đạt được các kết quả đáng tự hào trong phòng, chống đại dịch COVID-19. Thông qua việc tài trợ sáng kiến thúc đẩy các ứng dụng đổi mới sáng tạo sử dụng trí tuệ nhân tạo, Australia đang hiện thực hóa cam kết mạnh mẽ hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực vượt qua đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trong dài hạn”.