Đại biểu Võ Đình Tín (Đăk Nông) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng: Hiện nay tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là phân bón tác động đến phát triển nông nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường. Làm hàng nhái nhưng bán giá thấp, áp dụng khuyến mại. Gần 40.000 vụ vi phạm phân bón giả, kém chất lượng nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với thực tế. Giải pháp về vấn nạn này như thế nào, trách nhiệm thuộc về tổ chức cá nhân nào?
Đối với vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng, có vấn đề rất lớn liên quan đến quản lý nhà nước về thị trường phân bón. Hiện nay, phân bón vô cơ thì giao Bộ Công thương quản lý nhưng phân hữu cơ lại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong bối cảnh phân bón do 2 cơ quan quản lý và nhiều loại phân khác dẫn đến tình trạng chồng chéo nên hiệu quả và hiệu lực quản lý. Thứ hai có một tình trạng là thị trường đang có quá nhiều loại phân bón. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang quản lý hơn 5.000 loại, Bộ Công thương là hơn 5.700 loại nên khó quản lý. Ở những quốc gia khác cũng chỉ có trên 100 lượng phân bón đang lưu hành.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn sáng 15/11. |
"Để khắc phục đã có nhiều đợt phối hợp làm việc và đề xuất Chính phủ giao việc quản lý cho một cơ quan duy nhất. Cùng với đó là việc hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý về chất lượng phân bón. Bộ Công Thương đang xây dựng và hoàn chỉnh bộ quy chuẩn quốc gia về phân bón", Bộ trưởng cho biết.
Ngay sau khi Bộ trưởng trình bày phần trả lời, 2 đại biểu đăng ký đối đáp lại. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, câu trả lời về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đến đâu, trách nhiệm quản trị doanh nghiệp ở đó ra sao?
"Tôi rất lo ngại khi nghe Bộ trưởng báo cáo về tình trạng quản lý đầu tư của một số dự án là Bộ cho chủ trương, còn lại khoán trắng, buông lỏng cho doanh nghiệp tự quyết, tự tổ chức đầu tư, đến khi thua lỗ thì lại báo Chính phủ giải quyết".
Trước đó, đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) nhắc lại lo lắng của dư luận và đại biểu về tình trạng ô nhiễm môi trường tại dự án bô xit Tây Nguyên. Bà Kim Thuý đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương đánh giá những cam kết giải trình của người tiền nhiệm trước đây như thế nào và cam kết giải quyết ra sao?
Trả lời phần "chất vấn tiếp" của các đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đối với việc đánh giá cụ thể, nguyên nhân và trách nhiệm của từng bộ phận trong các dự án thua lỗ nghìn tỷ thì cần thời gian. Không chỉ riêng Bộ Công Thương mà còn các bộ, ngành khác cùng tham gia đánh giá như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước...để không chỉ xử lý tháo gỡ cho dự án và còn "quy trách nhiệm" các cá nhân tổ chức, không để xảy ra tình trạng tương tự.
Đối với vấn đề trách nhiệm các bộ ngành, theo quy định thì các bộ, ngành Nhà nước trước năm 2012 tham gia quản lý về chiến lược, quy hoạch của ngành, tham gia tham mưu Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau 2012 quy định pháp lý đã chặt chẽ hơn nên đảm bảo xem xét được rõ trách nhiệm của các bộ chủ quản trong quản lý doanh nghiệp, dự án đầu tư của doanh nghiệp. Vì thế, như dự án Đạm Ninh Bình, sẽ làm rõ được trách nhiệm các bên, làm sai tới đâu, xử lý thế nào....
"Chúng tôi cần có thời gian hoàn tất những công việc này, báo cáo Chính phủ phương án xử lý dứt điểm và sẽ báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đối với ý kiến của đại biểu Nguyễn Kim Thuý, Bộ trưởng Tuấn Anh xin trả lời bằng văn bản.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ có báo cáo cụ thể đánh giá nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan về các dự án thua lỗ ngàn tỷ này. Bà cũng yêu cầu Bộ Công thương chấn chỉnh ngay, không để tái diễn tình trạng xả lũ thuỷ điện Hố Hô.