Tài chính - Chứng khoán
Bộ máy Bảo hiểm xã hội quá cồng kềnh, tốn kém
Mạnh Bôn - 20/08/2014 09:37
Làm sao để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), đồng thời nâng được số kết dư của Quỹ là vấn đề được ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đặc biệt quan tâm trước khi Luật BHXH sửa đổi sắp được trình Quốc hội thông qua. Trong đó, vấn đề tinh giản bộ máy, cải cách thủ tục hành chính trong BHXH là vấn đề cấp bách.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: Bộ Tài chính thiếu trách nhiệm
Đề xuất gây "sốc" về bảo hiểm xã hội
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi: Phú quý giật lùi?
Xử lý hình sự hành vi chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội thất thu 84.000 tỷ đồng/năm

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi mới nhất cho phép Quỹ BHXH ngoài mua trái phiếu, tín phiếu, công trái; cho ngân sách nhà nước vay… còn cho phép ủy thác đầu tư thông qua hợp đồng quản lý đầu tư và các hình thức đầu tư khác do Chính phủ quy định. Ông bình luận gì về điều này?

Chúng ta đã có bài học nhãn tiền khi BHXH cho Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II) thuộc Agribank vay hơn 1.000 tỷ đồng với kết quả là rất khó thu hồi được số tiền này do ALC II đầu tư bị thua lỗ dẫn tới mất vốn.

   
  Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội  

Ủy ban Các vấn đề xã hội đã kiến nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan đưa ra các biện pháp tích cực để thu hồi số tiền này trả lại cho Quỹ. Dù có thu được số tiền đã cho vay hay không, thu được bao nhiêu thì bài học này cho thấy, nếu cho phép Quỹ BHXH ủy thác đầu tư hay đầu tư dưới các hình thức khác phải cân nhắc hết sức cẩn trọng trước khi trình Quốc hội thông qua Luật BHXH sửa đổi.

Theo tôi, tiền của Quỹ là tiền do hàng chục triệu người lao động đóng góp và đang góp phần ổn định đời sống hàng ngày của hàng chục triệu người hưởng lương hưu, nên vấn đề quan trọng nhất là phải bảo toàn tuyệt đối cho Quỹ BHXH.

Vì vậy, hình thức đầu tư chỉ nên thu hẹp dưới hình thức mua trái phiếu, tín phiếu, công trái của Nhà nước, của các ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ; cho ngân sách nhà nước vay và có thể bổ sung thêm hình thức gửi tiền tại ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ và đầu tư vào các công trình kinh tế trọng điểm quốc gia.

Nhưng nếu chỉ đầu tư theo các hình thức trên, thì lợi nhuận rất thấp, tốc độ tăng kết dư của Quỹ rất chậm?

Đúng là đầu tư bằng các hình thức trên thì lợi nhuận rất thấp, nhưng nếu như giữ được tốc độ lạm phát như trong mấy năm vừa qua, thì lợi tức thu được có thể chấp nhận được, thậm chí còn cao hơn là đầu tư theo các hình thức khác.

Hiện tại, số kết dư của Quỹ lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Làm sao bảo đảm được sự an toàn khi Quỹ BHXH chi ra ngày càng lớn hơn?

Theo tính toán của Chính phủ, nếu không có các biện pháp hữu hiệu để tăng thu, giảm chi, thì khả năng mất cân đối Quỹ bắt đầu diễn ra vào năm 2021 và đến năm 2034, thì phần kết dư Quỹ không còn, do số chi sẽ lớn hơn rất nhiều so với số thu.

Chắc là Quỹ sẽ rất khó giảm chi, vì thế, để tránh vỡ Quỹ, chỉ có giải pháp là tăng thu, trong đó tăng thu qua đầu tư chỉ là một giải pháp, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp khác mới tăng thu được.

Tăng thu bằng giải pháp nào, thưa ông?

Quỹ BHXH đứng trước nguy cơ mất an toàn là do tình trạng nợ đọng rất lớn. Để tăng thu, phải có các biện pháp quyết liệt thu hồi nợ đọng. Đây là giải pháp thứ nhất.

Thứ hai là tình trạng trốn tránh đóng BHXH rất lớn, nếu tổ chức thi hành pháp luật tốt, thì số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc có thể tăng thêm được 4-5 triệu người.

Thứ ba là tình trạng “né” BHXH diễn ra khá phổ biến. Người sử dụng lao động, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Theo dự báo, đến năm 2020, lực lượng lao động của nước ta vào khoảng 60 triệu người, nếu có cơ chế, chính sách thu hút được 50% số lao động tham gia BHXH, thì nguồn thu của Quỹ tăng rất cao.

Ông nói là Quỹ BHXH rất khó giảm chi, nhưng không có nghĩa là không giảm được?

Các chế độ cho người tham gia BHXH không thể giảm, mà phải tăng lên để bảo đảm đời sống cho người dân khi hết tuổi lao động đồng thời cũng giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho đối tượng này, nên về cơ bản, Quỹ không thể giảm chi.

Tuy nhiên, Quỹ hoàn toàn có thể giảm chi bằng cách tổ chức lại bộ máy BHXH từ Trung ương đến địa phương gọn nhẹ hơn, trên cơ sở tinh giản bộ máy theo hướng áp dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính.

Bộ máy tổ chức của BHXH hiện nay có thể nói là cồng kềnh, khiến chi phí hành chính và chi thường xuyên cho bộ máy quá lớn, chiếm tới 17% tổng giá trị đầu tư tăng thêm hàng năm của Quỹ, tương đương 2,51% tổng số thu BHXH hàng năm.

Tinh giản bộ máy, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH được đặt ra cấp bách. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến Chỉ số Xếp hạng môi trường cạnh tranh của nước ta bị đánh giá thấp (99/189 nền kinh tế toàn cầu).

Tin liên quan
Tin khác