Theo Bộ Y tế, quan điểm phát triển ngành dược thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, sẽ đẩy mạnh công nghệ bào chế thuốc trong nước, phát triển công nghiệp nguyên liệu làm thuốc…
Ngoài ra, chủ trương thời gian tới sẽ tổ chức lại hệ thống phân phối và cung ứng thuốc theo hướng chuyên nghiệp hóa.
| ||
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế phát biểu tại Hội thảo |
Các mục tiêu căn bản được đặt ra theo lộ trình cụ thể.
Đến năm 2020, sản xuất thuốc sẽ đáp ứng được 70% giá trị tiền thuốc, sản xuất bao bì đáp ứng được 50% nhu cầu.
Ngoài ra, sản xuất trang thiết bị phục vụ ngành công nghiệp dược đến năm 2020 sẽ đáp ứng được 50% nhu cầu; sản xuất vắc xin đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng vắc xin phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng quốc.
Đến năm 2030, mục tiêu sản xuất thuốc trong nước phải đáp ứng được 75% giá trị tiền thuốc, sản xuất trang thiết bị phục vụ ngành công nghiệp dược đáp ứng dược 60% nhu cầu…
Theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục quản lý Dược, Bộ Y tế, những tồn tại trong đăng ký thuốc thời gian qua có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Về khách quan, hồ sơ đăng ký thuốc rất nghiêm ngặt nên dẫn đến doanh nghiệp cảm thấy “ngột ngạt”, trong khi đó các thông lệ quốc tế thường xuyên thay đổi cũng khiến cho việc cập nhật các thông tin mất nhiều thời gian.
Về chủ quan, hiện tại nhiều quy định cũng đã không còn phù hợp thực tế, chẳng hạn phí thẩm định quy định thấp đã không đủ bù đắp công sức cho chuyên gia.
Theo ông Cường, trước đây, 1 ngày chuyên gia có thể đọc 10 – 15 hồ sơ đăng ký thuốc, nhưng sau khi Thông tư 22 (quy định về quản lý đăng ký thuốc) ra đời với nhiều quy định chặt chẽ hơn, mỗi ngày chuyên gia chỉ đọc 3 – 5 hồ sơ. Điều này cũng dẫn đến quá tải trong đăng ký thuốc.
Các quy định không khả thi, không còn phù hợp sẽ được Bộ Y tế kiến nghị loại bỏ, sửa đổi tại Dự thảo Sửa đổi Luật Dược.
Chí Tín