Thời sự
Bộ Nông nghiệp làm việc với Cà Mau về dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé
NT - 22/06/2020 11:46
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với tỉnh Cà Mau về chủ trương đầu tư dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 2.
Đại biểu tham dự buổi làm việc.

Sáng 21/6, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Cà Mau về chủ trương đầu tư dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 2. 

Tỉnh Cà Mau có 03 mặt tiếp giáp biển, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nước ngầm, không có nước ngọt bổ sung trong mùa khô như các tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, thường xảy ra tình trạng thừa nước trong mùa mưa và thiếu nước trong mùa khô.

Trên cơ sở diễn biến của hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020 cho thấy nhu cầu nước ngọt cho sản xuất ở Cà Mau là rất lớn và rất cấp thiết, đặc biệt trong mùa khô hạn. Các tiểu vùng Bắc Cà Mau là nơi cần ưu tiên bổ sung nước ngọt do nhu cầu phục vụ các mô hình sản xuất: lúa, rừng, cá, màu và phòng chống sụt lún đất trong mùa khô hạn là rất lớn.

Theo kết quả tính toán, chỉ tính riêng nhu cầu nước ngọt cho trồng lúa của các tiểu vùng Bắc Cà Mau tháng 1 khoảng 56,93 triệu m3, tháng 2 khoảng  57,03 triệu m3. Ngoài ra, ở vùng Nam Cà Mau cũng cần nước ngọt để pha loãng độ mặn cho nuôi tôm nước lợ vào tháng 3 và tháng 5. Trong khi lượng nước ngọt tại chỗ chỉ có nước mưa, được giữ lại nhờ hệ thống công trình khép kín ở Bắc Cà Mau với lượng rất khiêm tốn so với nhu cầu sản xuất nơi đây. Vì vậy, cần có giải pháp đưa nước ngọt về Cà Mau từ nơi khác. Nguồn nước ngọt có thể chuyển về Cà Mau chỉ có thể từ hai nguồn: từ sông Cái Lớn và từ sông Hậu qua kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp.

Việc đẩy nhanh triển khai lập dự án các hạng mục công trình của dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 2, nhất là các công trình nằm trên địa bàn tỉnh Cà Mau sẽ giúp cho tỉnh khắc phục được tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp, đã để lại hậu quả nghiêm trọng như năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020, cũng như điều tiết hợp lý nguồn nước ngọt trong vùng, hạn chế tối đa thiệt hại do thiếu nước vào những tháng cuối mùa khô là cấp bách và hết sức cần thiết trước diễn biến bất lợi của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan.

Do đó, tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 2 theo một trong 03 phương án: Lấy trục Kênh Chắc Băng – Sông Trẹm – Sông Đốc làm ranh mặn ngọt; phía Bắc sẽ là vùng sản xuất lúa 02 vụ; phía Nam vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp sản xuất chuyên lúa, vùng Trần Văn Thời ven Sông Đốc – Rạch Ráng (tiểu vùng II, III – Nam Cà Mau) sản xuất lúa - tôm. Hoặc lấy trục kênh Chắc Băng – Sông Trẹm – Sông Đốc làm ranh công trình điều tiết nước; chấp nhận cho chuyển đổi một số vị trí đã chuyển đổi và một phần của huyện Trần Văn Thời, tức là một phần diện tích chuyển đổi từ chuyên lúa sang một vụ lúa, một vụ tôm; phía Bắc giữ nguyên sản xuất như hiện nay; giữ nguyên sản xuất chuyên lúa tiểu vùng III – Bắc Cà Mau nhưng điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng cho phù hợp với điều kiện nguồn nước theo hướng sản xuất một vụ lúa, một vụ màu.

Phương án 3 được đề xuất giống phương án 2 nhưng điều chỉnh sản xuất tiểu vùng III - Bắc Cà Mau sang một vụ lúa, một vụ tôm lấy trục Minh Hà làm phân ranh mặn ngọt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhấn mạnh, tỉnh sẽ tính toán tổ chức lại sản xuất, điều chỉnh cây trồng, vật nuôi phù hợp với nguồn nước. Hiện tại, vấn đề quy hoạch đang có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng mục tiêu chính vẫn là đảm bảo hiệu quả bền vững. Vì vậy, Phó Chủ tịch Lê Văn Sử mong muốn các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, đưa ra cơ sở khoa học làm căn cứ thuyết phục để người dân đồng tình.

Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 2 không chỉ mang nước ngọt về cho tỉnh Cà Mau, mà còn góp phần phục vụ cho sản xuất của một số vùng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, Phó Chủ tịch Lê Văn Sử đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi dự án vào danh mục đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, điều quan trọng nhất là cần phải có quy hoạch sản xuất. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng với địa phương xây dựng quy hoạch sản xuất hướng tới hiệu quả bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời, phù hợp với quy hoạch sản xuất tổng thể khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 2 sẽ chuyển nước ngọt đến với tỉnh Cà Mau, đặc biệt ưu tiên cho vùng Bắc Cà Mau. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có sự điều chỉnh, tính toán chuyển nước từ sông Cái Bé về tỉnh Cà Mau. Vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục cùng với các nhà khoa học nghiên cứu bằng những giải pháp công trình cụ thể hơn.

Tin liên quan
Tin khác