Môi trường biển của khu vực Hòn Cau có nguy cơ bị ảnh hưởng khi các dự án điện hoạt động |
Trong công văn trả lời, Bộ NN&PTNT khẳng định, diện tích 12.500 ha của Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã được tính toán để đảm bảo được các mục tiêu bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, các loài động thực vật biển và các loài quý hiếm. Do đó, việc đề xuất điều chỉnh giảm diện tích đến 1.060 ha sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu, chức năng và thậm chí phá vỡ quy hoạch Hòn Cau.
Việc thu hẹp diện tích khu bảo tồn biển ảnh hưởng rất lớn đến quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô, cỏ biển và các động thực vật khác quý hiếm tại vùng biển này. Đáng chú ý là các rạn ngầm là bãi đẻ của tôm hùm bông, tôm hùm đỏ và tôm hùm xanh phân bố tại khu vực Hòn Cau.
Ngoài ra, việc giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau cũng làm ảnh hưởng đến mục tiêu bảo vệ các khu bảo tồn biển mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Cụ thể, theo Quyết định 742/2010/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020, mục tiêu đến hết năm 2015, ít nhất có 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam nằm trong khu bảo tồn và 30% trong số đó được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, con số này mới đạt khoảng 0,16%.
Chính vì những lý do trên, Bộ NN&PTNT phản đối đề nghị của UBND Bình Thuận và đề nghị tỉnh báo cáo Bộ TN&MT xem xét lại đánh giá tác động môi trường của dự án này tới Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các dự án điện ở Vĩnh Tân khi đi vào hoạt động sẽ phải xả ra một lượng chất thải lớn. Vì vậy, nếu các dự án này “lấn” cả diện tích của Khu bảo tồn biển Hòn Cau, có nguy cơ nguồn lợi thủy sản và môi trường biển tại khu vực biển Hòn Cau sẽ bị ảnh hưởng.
Sự cố Formosa tại Hà Tĩnh là một bài học đau đớn mà các địa phương cần phải tỉnh táo, cân nhắc lợi ích trước khi thực hiện bất kỳ dự án nào.