Thời sự
Bỏ phí thị thực nhập cảnh: "Bỏ con săn sắt..."
Anh Trung - 09/06/2015 15:58
Giảm chi phí cấp thị thực ước tính sẽ giúp Việt Nam lập tức thu về hàng trăm triệu USD. Đây là một con số rất ấn tượng của ngành du lịch được ông Ken Atkinson, Trưởng Nhóm công tác du lịch của VBF đưa ra sáng nay 9/6 tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2015.
Khách du lịch nước ngoài tại Hà Nội. Ảnh: Chí Cường

 

Ông Ken Atkinson cho biết, theo thống kê, lượng khách đến từ châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và NewZealand năm 2014 vào khoảng 1,6 triệu lượt. Số ngày lưu trú trung bình hiện tại vào khoảng 11,3 ngày và mức chi tiêu trung bình một ngày vào khoảng 102 USD.

Với lượng tăng trung bình từ khách du lịch đến từ nhóm nước này khoảng 2% và phí trung bình thị thực là 70 USD như hiện nay, năm nay, Việt Nam dự kiến đón thêm 32.000 lượt khách, tổng doanh thu xấp xỉ 40 triệu USD (2,25 triệu USD phí thị thực và  36,88 triệu USD phí chi tiêu).

Tuy nhiên, nếu miễn thị thực cho cư dân từ các nhóm nước trên, ước tính lượng khách du lịch tới Việt Nam sẽ tăng 10%, lên con số tăng thêm 160.000 lượt khách. Điều này đồng nghĩa tổng doanh thu cũng tăng lên gần 185 triệu USD.

Với mức chênh lệch 145 triệu USD, ngành du lịch sẽ đóng góp 14,5 triệu USD thuế giá trị gia tăng, lợi nhuận ròng của Chính phủ tăng gần 8,5 triệu USD. Số tiền còn lại dành cho việc hỗ trợ đầu tư tư nhân và đóng góp cho thị trường lao động Việt Nam.

Miễn giảm thị thực là xu thế tất yếu của du lịch 

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), chính sách thị thực nhập cảnh là một trong các chính sách của Chính phủ có tác động lớn nhất đến dòng chảy du lịch quốc tế. Khách du lịch quốc tế sẽ phải cân nhắc đến vấn đề thủ tục xin thị thực như một khoản chi phí tăng thêm cả về thời gian và tiền bạc. Nếu chi phí cho một điểm đến vượt quá ngân sách dành cho du lịch, họ sẽ không đến địa điểm đó mà thay vào đó là một địa điểm thuận tiện hơn.

Cùng với sự hội nhập kinh tế quốc tế, việc tạo thuận lợi cho du lịch là một trong những ưu tiên hàng đầu trong khuôn khổ hợp tác của các tổ chức như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á  - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng (GMS)... Việc tạo thuận lợi cho du lịch, đơn giản hóa chính sách thị thực và miễn thị thực được xem như là biện pháp quan trọng, không chỉ tăng số lượng khách du lịch mà còn thúc đẩy thương mại, trao đổi văn hóa và đầu tư.

Số liệu thống kê gần đây của UNWTO cho thấy, xu hướng đơn giản hóa chính sách thị thực đã bắt đầu đem lại hiệu quả. Vào đầu năm 2008, khoảng 70% người dân toàn cầu cần thị thực khi đi du lịch. Con số này đã giảm xuống còn 64% vào năm 2010 và 60% vào năm 2013.

Để tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư trực tiếp và các dòng khách du lịch quốc tế, nhiều nước đang nghiên cứu để từng bước mở rộng chương trình miễn thị thực.

Nhìn sang các nước lân cận, Thái Lan đã đón 24,8 triệu lượt khách quốc tế và đã miễn thị thực, lệ phí thị thực cho công dân đến từ 61 quốc gia, trong đó 49 nước miễn thị thực đơn phương. Malaysia đã đón 27,4 triệu lượt khách quốc tế và miễn lệ phí thị thực cho 155 quốc gia, bao gồm 85 quốc gia miễn thị thực đơn phương. Tương tự như vậy, Singapore đã đón 15,1 triệu lượt khách quốc tế và Singapore đã cấp miễn thị thực nhập cảnh cho công dân của 150 quốc gia trong đó 82 quốc gia được miễn thị thực đơn phương.

Thậm chí Nhật Bản, cũng bắt đầu chú trọng đến việc thu hút khách du lịch quốc tế vào năm 2003 khi thực hiện "Chiến dịch hãy đến thăm Nhật Bản" (Visit Japan Campain). Trong giai đoạn 2001 - 2014, du khách đến Nhật Bản đã tăng 2,6 lần và lần đầu tiên đạt 10 triệu lượt khách vào năm 2013. Nhật Bản đang đặt mục tiêu sẽ đón 20 triệu lượt khách trước năm 2020. Thị trường mục tiêu của Nhật Bản là Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippines. Chính phủ Nhật Bản đã nhanh chóng nới lỏng chính sách thị thực cho công dân từ các nước này, kết quả mang đến của chiến dịch này rất tích cực. Trong năm 2014, số lượng khách du lịch từ Thái Lan đã tăng 45,5% (từ 453.642 lên 657.606 lượt); khách du lịch từ Malaysia đến Nhật Bản tăng 41,1% (từ 176.521 lên 249.516 lượt); khách du lịch từ Philippines đến Nhật Bản tăng 70% (từ 108.351 lên 184.211 lượt)..

Từ những thống kê nêu trên, Nhóm công tác du lịch của VBF khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên tăng cường đôn đốc các bộ, ban ngành hướng tới một cái nhìn tổng thể có lợi cho đất nước và cân nhắc việc miễn giảm thị thực để tăng sức cạnh tranh cho ngành du lịch.

Tin liên quan
Tin khác