Các dự án BT hạ tầng giao thông làm thay đổi bộ mặt của nhiều đô thị |
Nhiều dự án BT đình trệ
Với nhu cầu phát triển ngày càng cao cả về quy mô và chất lượng trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, trong khi ngân sách nhà nước hạn hẹp, nhiều địa phương coi hình thức BT là giải pháp hữu hiệu để hoàn thiện và kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông và các công trình công cộng khác.
Chính nhờ việc kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đã giúp bộ mặt đô thị tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM được cải thiện rõ rệt, nhiều tuyến đường huyết mạch được triển khai, kết nối nhiều khu vực của địa phương, cũng như tạo liên kết vùng, góp sức lan tỏa sự phát triển ra các vùng phụ cận, cũng như mở rộng đô thị.
Theo ông Phạm Quý Tiên, Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, đầu tư công hạn chế và cắt giảm, các nguồn vốn ODA cũng giảm dần, việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông là yêu cầu bức thiết của Thành phố, nên phải phát triển các hình thức đối tác công - tư (PPP) thông qua các loại hợp đồng BT, BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Nửa đầu năm 2018, Hà Nội đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho một loạt dự án về hạ tầng giao thông được triển khai theo hình thức hợp đồng BT. Đổi lại, Thành phố giao nhà đầu tư khoảng 700 ha đất đối ứng tại nhiều khu vực khác nhau trên địa bàn.
Tuy nhiên, cuối tháng 3/2018, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tạm dừng việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018. Nguyên nhân, theo bộ này, do Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT vẫn chưa có hiệu lực thi hành, dù Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 đã có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018.
Văn bản trên của Bộ Tài chính khiến nhiều dự án BT đang triển khai ở các địa phương gần như bị tắc. Cả địa phương và chủ đầu tư dự án BT đều dừng lại nghe ngóng và rơi vào tình trạng "dở khóc, dở cười".
Ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), vốn là một đại gia trong lĩnh vực xây dựng các dự án BT, BOT cho biết, Công ty không được thanh toán bất kỳ hợp đồng BT nào đã ký kết sau văn bản ngày 28/3/2018 của Bộ Tài chính.
Tương tự, Văn Phú Invest cũng “gặp hạn" vì các dự án BT. Cụ thể, Văn Phú Invest liên danh với Công ty cổ phần HNS và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bắc Ái đầu tư dự án BT xây dựng tuyến kết nối đoạn từ Phạm Văn Đồng (TP.HCM) đến nút giao thông Gò Dưa (Quốc lộ 1). Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 2.765 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư ứng trước cho địa phương 821 tỷ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng.
Các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ được hoán đổi 6 khu đất tại các quận Bình Thạnh, quận 10, quận 1, quận Bình Tân, và 2 dự án tại quận 3 (TP.HCM). Theo hợp đồng BT, nhà đầu tư thực hiện khối lượng bao nhiêu sẽ được thanh toán bằng quỹ đất tương ứng. Tuy nhiên, theo đại diện Văn Phú - Bắc Ái, tiến độ của dự án đã đạt trên 45%, nhà đầu tư đã bỏ ra khoảng 1.300 tỷ đồng để thực hiện dự án, nhưng vẫn chưa nhận được khu đất nào.
Cũng theo đại diện này, việc chậm trễ giao đất khiến nhà đầu tư gặp khó trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh hàng năm khi các khu đất chưa có quyết định giao đất, chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa thể khai thác được.
Ngoài dự án tại TP.HCM trên, Văn Phú Invest cũng vướng mắc một dự án BT tại Hà Đông (Hà Nội) với liên doanh nhà đầu tư là Hải Phát Invest. Đây là dự án xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật 5 tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu dân cư, đô thị thuộc địa bàn quận Hà Đông với tổng vốn đầu tư khoảng 1.960,8 tỷ đồng, giá trị công trình BT là gần 1.638 tỷ đồng.
Dự án đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt hồ sơ chỉ giới đường đỏ đấu nối đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị và khu dân cư. Tuy nhiên, sau văn bản của Bộ Tài chính, đến nay, dự án này cũng đã dừng lại chưa được triển khai theo đúng tiến độ.
Một nhà đầu tư khác là Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt cho biết, đã được TP.HCM giao thực hiện dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hình thức hợp đồng BT từ 10 năm trước. Tổng mức đầu tư dự án theo khái toán năm 2010 là 988 tỷ đồng. Để thực hiện dự án, nhà đầu tư được đổi 2 lô đất gồm lô đất ở 259 Trần Hưng Đạo (quận 1), 3Bis Phan Văn Đạt (quận 1).
Qua 2 bước chọn phương án thiết kế và báo cáo phê duyệt nghiên cứu khả thi, tổng vốn đầu tư dự án đội lên 1.950 tỷ đồng, do bổ sung các tầng hầm, trang thiết bị hiện đại, trượt giá... Sau khi đội vốn lên, nhà đầu tư đang xin thêm 3 ha đất tại Khu thể thao Phú Thọ (quận 11) và bỏ ra hàng chục tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, khoan cọc thử, thực hiện các bước chuẩn bị dự án, tuy nhiên đến nay thủ tục hoán đổi các khu đất vẫn chưa được thực hiện xong.
Bao giờ mới hết mắc?
Trước những vướng mắc trên, cả doanh nghiệp và địa phương đều mong chờ Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT. Tuy nhiên, cho tới nay, nghị định này vẫn chưa được ban hành.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc họp với các bộ, ngành về dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT.
Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã họp, cho ý kiến về nội dung dự thảo Nghị định. Bộ Tài chính đã lấy ý kiến các cơ quan liên quan và đã tiếp thu, giải trình. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn có ý kiến khác nhau.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp để hoàn thiện dự thảo, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Nghị định. Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương có ý kiến bằng văn bản, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, đảm bảo nội dung Nghị định phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung thêm hình thức thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT đã được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 14/6/2019: "Xác định rõ phạm vi áp dụng dự án BT và nghiên cứu phương án đấu giá quyền sử dụng đất để thanh toán trực tiếp cho các công trình hạ tầng đầu tư theo hình thức BT" như ý kiến của Kiểm toán Nhà nước; quy trình thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về Ngân sách nhà nước; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện hướng dẫn nội dung này.
Tuy nhiên, các địa phương và doanh nghiệp vẫn chưa hết lo lắng. Theo ông Lê Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, theo quy định của Luật Đất đai 2013, khi đấu giá đất phải có đất sạch. Để có đất sạch, địa phương phải thực hiện dự án đầu tư công mới có lý do để thanh toán tiền giải phóng mặt bằng. Nhưng Luật Đầu tư công lại không có loại hình dự án riêng cho giải phóng mặt bằng, nên nhiều địa phương không biết làm theo hướng nào. Nếu không giải phóng mặt bằng, thì lấy đâu ra đất sạch để đấu giá trả tiền cho nhà đầu tư BT.
Ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cũng cho rằng, đây là những vướng mắc không có lời giải. Luật Đất đai quy định về các trường hợp giao đất thông qua đấu giá và trường hợp giao đất không đấu giá. Luật Đấu thầu cũng quy định các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất. Tuy nhiên, giữa hai luật lại còn một số nội dung chưa rõ. Ví như trường hợp đã thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất, thì sau đó có phải đấu giá đất không và ngược lại.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, mặt được của dự án BT là huy động được nguồn vốn xã hội hoá, tư nhân. Do đó, rất nên tạo khung pháp chế sớm để thực hiện BT một cách công khai, minh bạch, có giám sát độc lập. Không thể bắt các hoạt động kinh tế - xã hội đang cấp tập phải ngừng lại chờ đợi. Bởi như vậy sẽ tốn kém tiền bạc, công sức của tất cả các bên: Nhà đầu tư, Nhà nước và cả người dân.