Ô tô - xe máy
Bộ Tài chính lấy ý kiến về 2 phương án giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Thanh Hương - 06/06/2020 10:34
Việc điều chỉnh giảm 50% lệ phí trước bạ với xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ giảm thu ngân sách địa phương năm 2020 khoảng 6.000 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, số thu lệ phí trước bạ ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước khoảng 18.000 tỷ đồng/năm.

Hiện Bộ này cũng đã gửi văn bản lấy ý kiến các bên liên quan về việc xây dựng Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nhằm áp dụng Nghị quyết 84/NQ-CP về giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước với đề nghị có ý kiến tham gia trước ngày 9/6/2020.

Có 2 phương án được Bộ này đề xuất và khi được thực hiện sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm khoảng 15-300 triệu đồng/mẫu xe so với trước đây.

Trong phương án 1, áp dụng mức thu lệ phí trước bạ lần đầu (không giảm mức thu lệ phí trước bạ từ lần thứ 2 trở đi) đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự được sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với các loại xe này theo quy định tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 140/2016/NĐ-CP tới hết ngày 31/12/2020.

Phương án 2 được Bộ Tài chính đưa ra là áp dụng mức thu lệ phí trước bạ lần đầu với ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống. Ô tô vừa chở người, vừa chở hàng (xe pick up chỏ hàng) có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống, ô tô tải VAN có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500 kg được ản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với các loại xe này theo quy định tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 140/2016/NĐ-CP, đến hết ngày 31/12/2020.

Kể từ ngày 1/1/2021, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu với các loại ô tô nêu trên tiếp tục áp dụng theo mức quy định tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 140/2016/NĐ-CP.

Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ thực hiện phương án 1 vì phương án này sẽ đảm bảo mục tiêu, yêu cầu đề ra là nhằm kích thích tiêu dùng và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp trong nước trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Khi thực hiện phương án 1, việc điều chỉnh giảm 50% lệ phí trước bạ với xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ giảm thu ngân sách địa phương năm 2020 khoảng 6.000 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, số thu lệ phí trước bạ với ô tô chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số thu về lệ phí trước bạ và tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2017 chiếm 69%, năm 2018 chiếm 69,7% và năm 2019 chiếm 74,6%.

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) được Bộ Tài chính dẫn chứng, tính chung 4 tháng đầu năm 2020, doanh số bán ra của toàn thị trường giảm 38% so với cùng kỳ năm 2019, tức là chỉ tiêu thụ được 60.825 xe. Trong đó, xe lắp ráp trong nước giảm 33%, xe nhập khẩu giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị như vận tải, nhà cung ứng, nhà phân phối… cũng gặp khó khăn dây chuyền, doanh thu giảm đáng kể.

Theo dự báo của các doanh nghiệp, do tác động của dịch Covid-19, thị trường ô tô không chỉ bị ảnh hưởng trong năm 2020 có thể còn kéo dài sang các năm tiếp theo.

Tin liên quan
Tin khác