Tiêu dùng
Bộ Tài chính lý giải vì sao giá hàng hóa vẫn neo cao dù giá xăng dầu giảm
Thế Hoàng - 04/08/2022 09:44
Việc xăng giảm, nhưng một số mặt hàng tiêu dùng vẫn chưa hạ nhiệt do có độ trễ nhất định cùng nhiều yếu tố đan xen như giá nguyên vật liệu đầu vào, năng lực sản xuất.
Giá xăng giảm nhưng một số mặt hàng tiêu dùng vẫn tăng do nhiều yếu tố tác động như giá nguyên vật liệu đầu vào, năng lực sản xuất...

Trước thực trạng giá xăng dầu đã giảm mạnh, nhưng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn tăng, Bộ Tài chính cho biết, một số mặt hàng có giá nguyên liệu đầu vào tăng trong một thời gian dài nên chưa thể giảm ngay hoặc cần độ trễ sau khi giá xăng dầu giảm...

Thêm vào đó, có nhiều tác động như giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ...

"Giá vật liệu xây dựng và nhân công sửa chữa nhà ở tăng lên do nhu cầu nguyên liệu đầu vào tăng; giá dịch vụ vận tải tăng do vào mùa cao điểm du lịch; giá mặt hàng đồ uống tăng do nhu cầu tiêu dùng tăng lên trong mùa hè, đồng thời giá nguyên liệu đầu vào và giá vận chuyển tăng...", Bộ Tài chính dẫn chứng.

Từ đầu năm đến nay giá xăng dầu trong nước đã qua 20 đợt điều chỉnh giá, trong đó 13 đợt tăng, 7 lần giảm, với mức giảm hơn 6.500 đồng mỗi lít xăng, nhưng đến thời điểm này giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn chưa giảm tương ứng theo giá xăng dầu.

Một số mặt hàng thiết yếu, nhất là thịt lợn tăng vọt đã khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,4%, tăng 3,59% so với tháng 12/2021 và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước. 

Các mặt hàng lương thực, thực phẩm  chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính CPI tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển do đó đã tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng.

Mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành cùng rà soát, kiểm soát giá hàng hoá, dịch vụ, không để xảy ra găm hàng, đầu cơ và tăng giá bất hợp lý sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.

Với xăng dầu, Thủ tướng giao Bộ Công thương theo dõi sát diễn biến giá thế giới, linh hoạt sử dụng công cụ quỹ bình ổn trong điều hành để "giá xăng dầu trong nước ở mức phù hợp" và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng.

Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Tài chính báo cáo Chính phủ phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.

Liên quan đến chính sách thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt, ngày 28/7/2022, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương về phương án thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai xây dựng văn bản, theo đúng trình tự, thủ tục quy định.

Về thuế bảo vệ môi trường, cơ quan quản lý cho biết sắc thuế này đã điều chỉnh giảm xuống mức sàn trong khung thuế quy định tại Luật thuế bảo vệ môi trường đến hết ngày 31/12 (Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 11/7).

Theo đó, mức thuế với mặt hàng xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel, mazut, mỡ nhờn... giảm từ 1.000 đồng/lít xuống sàn 300-500 đồng/lít và dầu hỏa giữ nguyên ở 300 đồng/lít.

Đối với thuế xuất nhập khẩu, ngày 19/7, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về dự thảo Nghị định giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì thuộc nhóm 27.10 từ 20% xuống 10%.

Dự kiến khi ban hành, chính sách này sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung, tạo cơ hội tiếp cận nguồn cung mới cho các doanh nghiệp nhập khẩu thay vì phụ thuộc vào nguồn xăng từ Hàn Quốc hay các nước trong ASEAN (do xăng dầu đang chủ yếu được nhập khẩu từ Hàn Quốc và các nước trong ASEAN).


Tin liên quan
Tin khác