90% dân số chi tiêu tiền mặt, ngân hàng gặp khó ở địa bàn nông thôn
Thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu hướng của toàn thế giới. Tại Mỹ, tỷ lệ tiền mặt trong tổng lượng tiền của nền kinh tế chỉ chiếm khoảng hơn 7,7%, tại Thụy Điển, con số này chỉ 2%. Ở nước ta, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, tiền mặt trong tổng số phương tiện thanh toán thấp hơn 10%.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam, đây là mục tiêu hết sức thách thức. Bởi tuy có 40% dân số đã có tài khoản ngân hàng, song theo ông Nam, vẫn còn tới 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền.
Đặc biệt, với khu vực nông thôn, mục tiêu tăng thanh toán không dùng tiền mặt càng khó khăn vì đại bộ phận người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích thanh toán hiện đại. Thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu, bén rễ vào tiềm thức của dân chúng. Bên cạnh đó, hạ tầng thanh toán ở nông thôn còn yếu.
Tiền mặt vẫn là thói quen thanh toán chính của người dân Việt Nam |
“Muốn người dân tích cực sử dụng phương thức thanh toán phi tiền mặt, thế nhưng trên thực tế, hệ thống cơ sở hạ tầng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại vùng nông nghiệp, nông thôn còn ít. Hệ thống máy ATM, POS được lắp đặt chủ yếu ở khu vực thành phố. Ngoài ra, việc tốn phí khi thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm phí chuyển tiền, phí làm thẻ, Phí thường niên, phí in sao kê, phí chậm thanh toán, phí rút tiền mặt tại ATM, phí giao dịch… cũng làm nhiều người e ngại khi sử dụng hình thức này”, ông Nam cho biết.
Một nguyên nhân nữa khiến người dân còn e ngại thanh toán không dùng tiền mặt là nỗi sợ rủi ro bảo mật. Theo thống kê, có tới hơn 50% người dùng bày tỏ lo ngại về các vấn đề an ninh khi thực hiện các giao dịch điện tử thay vì sử dụng tiền mặt.
Sẽ thí điểm nhiều mô hình thanh toán hiện đại tại nông thôn
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh cho biết, thời gian qua, NHNN đã tích cực đẩy mạnh các giải pháp nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là nghiên cứu áp dụng nhiều phương tiện thanh toán mới, hiện đại.
“NHNN đã thí điểm một số mô hình thanh toán dựa trên sự hợp tác giữa các NHTM và một số tổ chức thông qua sử dụng phương thức thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng phù hợp với địa bàn nông thôn, phù hợp với thanh toán không dùng tiền mặt vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo.
Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra nhiều cơ hội để phát triển thanh toán hiện đại, dễ sử dụng với chi phí thấp, phù hợp với địa bàn nông thôn. NHNN đang phối hợp với các đơn vị liên quan, đề xuất các chính sách phát triển, thích ứng với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4”, Phó Thống đốc cho biết.
Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, để thúc đẩy TTKDTM ở khu vực nông thôn, NHNN đã xây dựng và triển khai Đề án thí điểm một số hình thức TTKDTM ở khu vực nông thôn, qua đó sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng, phù hợp với địa bàn nông thôn để mở rộng, thúc đẩy TTKDTM trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Tính đến cuối quý I/2018, các mô hình thí điểm trên đã xây dựng được trên 72.000 điểm cung cấp dịch vụ thanh toán, chuyển tiền trên toàn quốc, phục vụ cho khoảng 7 triệu lượt khách hàng bao gồm cả các khách hàng chưa có tài khoản tại ngân hàng.
Hiện tại, NHNN đang phối hợp một số đơn vị liên quan xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, người yếu thế.
Về giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở địa bàn nông thôn thời gian tới, ông Phạm Tiến Nam đề xuất, trước hết phải giúp cho mỗi người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này. Đồng thời, phải phát triển các hệ thống và dịch vụ thanh toán bán lẻ đi kèm. Nghiên cứu, áp dụng các công nghệ thanh toán hiện đại mới với chi phí hợp lý, tốc độ thanh toán nhanh, đơn giản, tiện dụng và chất lượng cao.
Trong khi đó, NHNN xác định sẽ chú trọng xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế chính sách tạo thuận lợi, lĩnh vực phi ngân hàng tham gia vào việc cung ứng dịch vụ thanh toán hiện đại, phù hợp với địa bàn nông thôn. Đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động ngân hàng trong thời gian tới; Xây dựng và triển khai Chiến lược Tài chính Toàn diện Quốc gia...
Được biết, trên thế giới, rất nhiều quốc gia kém phát triển như Nam Phi, Kenya, Ghana… đã rất thành công khi thực hiện chiến lược quốc gia về thanh toán không dùng tiền mặt nhờ chọn đúng công cụ. Hiện nay, cách mạng 4.0 đã mở ra rất nhiều công cụ để Việt Nam lựa chọn nhằm thực hiện mục tiêu này, vấn đề là giải pháp nào phù hợp với thói quen, tâm lý và tạo được niềm tin với người tiêu dùng.