Nền tảng số phục vụ người dân là chương trình do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nhằm triển khai Quyết định 578/QĐ-BTTTT với mục tiêu tìm ra những nền tảng số Việt Nam có khả năng triển khai rộng khắp và phục vụ những nhu cầu khác nhau của người dân.
Theo Quyết định này, để trở thành Nền tảng số phục vụ người dân năm 2022, các sản phẩm công nghệ phải đạt đủ 4 tiêu chí do Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra bao gồm: Tư cách pháp nhân và năng lực của tổ chức, doanh nghiệp; chức năng và tính năng của nền tảng số; an toàn, an ninh mạng; tiêu chí khác theo từng tình huống, nền tảng cụ thể. Trong đó, ưu tiên những nền tảng có thể đáp ứng một số nhóm nhu cầu cơ bản, phổ biến của người dân như thông tin liên lạc, mua sắm, an toàn thông tin mạng,...
Công cụ tìm kiếm và Trình duyệt Cốc Cốc, sản phẩm “Make in Việt Nam” với công nghệ hàng đầu do người Việt phát triển và phục vụ cho lợi ích của người Việt, được công nhận là Nền tảng số phục vụ người dân năm 2022.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã chính thức công bố và trao quyết định công nhận Công cụ tìm kiếm và Trình duyệt Cốc Cốc đạt tiêu chí Nền tảng số phục vụ người dân năm 2022 |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trình duyệt web và công cụ tìm kiếm chính là cầu nối, là “cổng ra vào” kết nối người dùng vào không gian số, đến với những thông tin, dữ liệu mà họ cần trên mạng Internet, giúp giải quyết bài toán thu hẹp khoảng cách về thông tin giữa các vùng miền, giữa Việt Nam và thế giới, thậm chí là giúp người dùng có công cụ để khởi nghiệp trên Internet.
Theo định nghĩa của nhiều tổ chức quốc tế thì nền tảng trình duyệt và tìm kiếm là một trong các nền tảng số được coi là hạ tầng “mềm” của hạ tầng số tương đương với các nền tảng cung cấp công nghệ như dịch vụ. Với 28 triệu người dùng nền tảng Cốc Cốc thì “hạ tầng số” này đã được gần 40% dân số Internet Việt Nam sử dụng để “đi lại” trên hạ tầng này.
"Quan trọng hơn nữa, nền tảng Công cụ tìm kiếm và trình duyệt Cốc Cốc là sản phẩm Make in Viet Nam. Tôi đề nghị Cốc Cốc luôn tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là quy định về an toàn, an ninh mạng và quy định về lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Đồng thời, Cốc Cốc hãy chung tay “giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng, càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn”.
Với Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc thu hút tới 574 triệu lượt truy vấn mỗi tháng. Tôi mong rằng, Cốc Cốc sẽ tiếp tục trở thành “cánh cổng” kết nối Internet với người dùng Việt, giúp con người Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc hơn bằng cách hỗ trợ họ tận dụng tối đa các tiện ích trên Internet để phục vụ cho cuộc sống và công việc thường ngày", ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Huy Dũng cũng cũng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cùng tích cực tham gia Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam. Qua đó, hướng tới cụ thể hoá mục tiêu thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phổ cập kỹ năng số, phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu: “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”.