Theo tính toán, FTA giữa Việt Nam và EU được ký kết và có hiệu lực vào năm 2019 thì xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này sẽ tăng thêm 16 tỷ USD ngay trong 1-2 năm đầu tiên |
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Việt Nam kỳ vọng EVFTA sẽ được ký vào cuối năm nay và kịp phê chuẩn vào đầu năm 2019. Nếu tranh thủ được cơ hội kinh tế khi ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cùng với cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, Việt Nam sẽ nâng cao được chất lượng tăng trưởng và gia tăng xuất khẩu mạnh mẽ.
Việt Nam vừa kết thúc rà soát pháp lý và đạt được thoả thuận về Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) - hiệp định mới về bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước, nhà đầu tư được tách riêng khỏi FTA với EU. Tuy nhiên, để FTA với EU được ký kết và phê chuẩn thì vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó Việt Nam phải chứng minh được khả năng thực thi các tiêu chuẩn cao, trong đó có vấn đề liên quan tới phát triển bền vững, kiểm dịch động thực vật và đánh bắt cá trái phép...
Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới hơn 99% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ... là rất đáng kể.
Đối với các mặt hàng trước đây Việt Nam chưa thể xuất khẩu do hàng rào thuế quan còn cao, giờ cũng sẽ có thể tiếp cận được thị trường EU với giá cả cạnh tranh hơn.
Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định FTA đã được đàm phán tới nay.
Theo một nghiên cứu do các chuyên gia quốc tế thực hiện, FTA giữa VN và EU sẽ giúp xuất khẩu của VN tăng thêm bình quân 4-6%/năm trong vòng 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Giả sử FTA với EU có hiệu lực vào năm 2019, xuất khẩu vào EU sẽ tăng thêm được 16 tỷ USD ngay trong 1-2 năm đầu tiên so với trường hợp không có FTA. Tới năm 2028 sẽ tăng thêm tới 75-76 tỷ USD so với trường hợp không có FTA.
Riêng với dệt may, hiệp định có thể giúp xuất khẩu tăng thêm được 1,54 tỷ USD vào năm 2023 và 5,82 tỷ USD vào năm 2028 so với trường hợp không có FTA.
Năm 2017, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang EU đạt xấp xỉ 4 tỷ USD, tăng 6,46% so với 2016 và chiếm tỷ trọng gần 13% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Một mặt hàng khác là giày dép cũng có triển vọng tăng xuất khẩu rất lớn. Riêng năm 2017, xuất khẩu giày dép sang các nước khu vực EU đạt 4,6 tỷ USD, tăng 10,1% so với năm 2016, chiếm tỷ trọng 31,5%.
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt gần 51 tỷ USD năm 2017, tăng 12 lần từ năm 2000. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 13,6 lần, từ 2,8 tỷ lên trên 38,3 tỷ USD và nhập khẩu tăng hơn 9 lần, từ 1,3 tỷ lên 12,1 tỷ USD.
Hết tháng 4/2018, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều đạt 17,34 tỷ USD, tăng 14,91% so với năm 2017, trong đó xuất khẩu đạt 13,36 tỷ USD, nhập khẩu gần 4 tỷ USD