Trong 2 ngày 2-3/11, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ sự bức xúc trước hiện trạng 5 dự án thua lỗ nặng nề, gây thất thoát lớn cho nền kinh tế, gây bức xúc trong dư luận.
" Qua nghiên cứu 65 dự án do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà Chính phủ đã chuyển cho các đại biểu Quốc hội, tôi vô cùng lo lắng. Dự án nhà máy xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy nhiên liệu Ethanon của Dung Quất, Nhà máy bột giấy Phương Nam, Nhà máy đạm Ninh Bình đã lỗ 7.300 tỷ. Nhà máy gang thép Thái Nguyên, giai đoạn 2 gói thầu Dung Quất vốn đầu tư ban đầu là 3.843 tỷ nay nâng lên là 8.104 tỷ, tăng 4.261 tỷ đồng. Tôi đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo xử lý sớm, nếu không nợ chồng lên nợ. Đồng thời, phải xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức để xảy ra tình trạng này và báo cáo cho Quốc hội biết", đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị.
"Tình trạng dự án chuẩn bị sơ sài, phê duyệt hình thức để được bố trí vốn dẫn đến phải bổ sung khá nhiều lần, bố trí vốn dàn trải kéo dài thời gian thi công dẫn tới giảm hiệu quả, thất thoát, lãng phí. Buông lỏng quản lý, chấp hành không nghiêm các quy định, quy chế trong đầu tư công. Phải chỉ ra được trên thực tế có bao nhiêu dự án hoạt động không hiệu quả, bao nhiêu dự án sử dụng vốn Nhà nước bị thua lỗ, bao nhiêu dự án gây thất thoát, lãng phí, bao nhiêu dự án cần đề nghị điều tra, truy tố. Có như thế mới xác định được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý, làm bài học cho tổ chức, quản lý, hy vọng ngăn chặn được tình trạng thất thoát vốn đầu tư lâu nay", Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhấn mạnh.
Ông Phương nêu dẫn chứng 5 dự án "khủng" như Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên (giai đoạn 2), nhà máy bột giấy Phương Nam, nhà máy Đạm Ninh Bình, nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất..., đã làm "tiêu tan" trên 30.000 tỷ đồng vốn đầu tư.
“Cách báo cáo, thẩm tra hiện mới "bắn chỉ thiên", nêu ra cái chung chứ không truy được trách nhiệm, không tạo ra đột phá làm chuyển biến nhận thức về vốn đầu tư, nhất là chống tham nhũng, lãng phí”, ông Phương nhận xét.
Giải trình trước Quốc hội ngày 3/11 về các vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ đã báo cáo về 5 dự án lớn thua lỗ, thời gian qua các cơ quan chức năng phối hợp tháo gỡ nhưng "chưa đạt hiệu quả”.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương: "Các dự án này bộc lộ sự khiếm khuyết và lỗ hổng trong quản lý Nhà nước cả về khung pháp lý và thể chế" |
Ngoài 5 dự án này, ông Trần Tuấn Anh cho biết, còn có một số dự án khác cũng đứng trước nguy cơ mất vốn nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời. Bộ Công Thương nỗ lực bằng nhiều cách không để thất thoát vốn Nhà nước và làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị liên quan.
Bộ trưởng nhận định, qua 5 dự án này có một số vấn đề lớn.
Thứ nhất, chúng ta sẽ phải rạch ròi và làm rõ hơn trong việc quản lý đầu tư của Nhà nước, không chỉ đầu tư công mà đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, và đặc biệt phải làm rõ vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong việc phát triển thị trường, phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác tham gia thị trường.
Thứ hai, các dự án này bộc lộ sự khiếm khuyết và lỗ hổng trong quản lý Nhà nước cả về khung pháp lý và thể chế, vai trò giữa bộ chủ quản và các bộ quản lý nguồn vốn nhà nước, bộ quản lý quy trình thủ tục đầu tư. Vì vậy, rất cần làm rõ cơ quan quản lý nhà nước đối với các phần vốn trong doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.
Thứ ba, trong trách nhiệm của bộ chủ quản và bộ chuyên ngành cần xem xét lại việc chấp hành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật Nhà nước. Làm rõ trách nhiệm của các cấp quản lý Nhà nước cũng như chủ đầu tư DN. Không loại trừ những hành động cố ý trong vi phạm hoạt động quản trị, điều hành đầu tư của DN nhà nước.
Ngay sau phần giải trình của Bộ trưởng, một số đại biểu đã phát biểu tranh luận. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, sớm lập danh mục các dự án có nguy cơ thua lỗ.
“Vì chỉ cần một ngày lỗ vài ba tỷ đồng, mỗi năm lỗ năm bảy chục tỷ đồng, dù không đến nghìn tỷ đồng nhưng cộng lại cũng là con số to lớn”, đại biểu Nghĩa nói.
Uỷ viên thường trực Uỷ ban kinh tế Phùng Văn Hùng bày tỏ sự băn khoăn sau phần giải trình của Bộ trưởng Tuấn Anh và đặt câu hỏi: "Bộ Công Thương đã tính toán phương án để xử lý số dự án đắp chiếu hay chưa? Mong Bộ trưởng cho Quốc hội, công luận biết".
Danh sách "5 dự án đắp chiếu tiêu tốn 30.000 tỷ":
1. Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư;
2. Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia) có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung;
3.Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, do Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư;
4. Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An có tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải – Tracodi làm chủ đầu tư. Đến năm 2009, dự án này được chuyển cho Tổng công ty Giấy Việt Nam -Vinapaco theo Quyết định 731/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
5. Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam.