Ngay trong tháng 12/2016, Trung tâm xử lý nước thải KCN Dệt may Phố Nối lĩnh án phạt 555,5 triệu đồng vì hành vi xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường. |
Theo báo cáo của Tổng giám đốc Vinatex, ông Lê Tiến Trường, 2016 là năm dệt may có tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới. Kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 28,3 tỷ USD, thấp hơn 1,7 tỷ USD so với kế hoạch đề ra từ đầu năm.
Tuy nhiên, các quốc gia nhập khẩu đều suy giảm về tiêu dùng hàng hóa. Điển hình là Hoa Kỳ giảm 4,5%, Nhật Bản giảm hơn 1%, Hàn Quốc giảm hơn 4%, chỉ có EU là tăng hơn 5%.
Trong 7 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới thì Trung Quốc giảm mạnh hơn 4,5%, Ấn Độ giảm 5%, Indonesia giảm 5.4%, Pakistan giảm 4%, Thổ Nhĩ Kỳ không tăng, chỉ Băngladesh tăng 4,8% và Việt Nam 5,2%, là nước có tốc độ xuất khẩu cao nhất trong 7 nước xuất khẩu dệt may lớn.
Dự liệu khó khăn trong xuất khẩu dệt may còn kéo sang năm 2017, do tại thời điểm này chưa nhìn thấy dấu hiệu gì sáng sủa, khi các thị trường nhập khẩu lớn vẫn trong xu hướng giảm cầu. Các FTA được kỳ vọng, trong đó có EVFTA chưa có hiệu lực
Ở trong nước, thị trường nội địa chưa điều hòa được khi xuất khẩu gặp khó. Việt Nam không có cơ sở để rút lui về trong nước khi có biến trong xuất khẩu.
Ông Trường cho biết, tiêu thụ ở thị trường nội địa chỉ chiếm khoảng hơn 1 tháng sản xuất. Quy mô ngành dệt may Việt Nam hiện ở mức 35 tỷ USD.
“Dù rất quan tâm phát triển đến thị trường nội địa nhưng rõ ràng, xuất khẩu mới là đầu ra chính của dệt may Việt Nam. 90% hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành là dồn cho xuất khẩu”, ông Trường nhấn mạnh.
Bởi vậy, 2017 ngành dệt may sẽ tập trung cải tiến năng suất, chất lượng thay vì tập trung cho đầu tư.
Đi kèm theo đó, ông Trường kiến nghị 3 vấn đề để ngành phát triển trong năm 2017, đó là giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính để củng cố năng lực cạnh tranh. Quan tâm cân đối giữa tỷ giá VND và ngoại tệ để có hỗ trợ cân bằng trong xuất khẩu, cân đối chính sách giữa tiền lương và tạo việc làm.
Quy hoạch chung hệ thống Khu công nghiệp có được đầu tư hệ thống bảo vệ môi trường tốt và có chính sách đầu tư đặc biệt cho những doanh nghiệp đầu tư tại các KCN có làm dệt may.
Liên quan đến các kiến nghị của Vinatex, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho hay, “lưu ý doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề môi trường vì Khu công nghiệp dệt may tập trung của Tập đoàn trong thời gian vừa qua đã có những vấn đề nổi cộm về xử lý nước thải, vốn đã được đưa vào danh sách giám sát để đảm bảo môi trường”..
Bộ trưởng cũng đề nghị, trong năm 2017 Vinatex cần phải làm tốt hơn về bảo vệ môi trường trong đầu tư. Mới đây, Chi nhánh Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - Trung tâm xử lý nước thải KCN Dệt may Phố Nối chính thức lĩnh án phạt 555,5 triệu đồng vì hành vi xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường.
Quyết định xử phạt chỉ rõ, Trung tâm này đã xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải (dưới 2 lần) trong trường hợp lượng nước thải tại thời điểm kiểm tra trung bình từ 2.500 m3/ngày đến dưới 3.000 m3/ngày.
Theo kết quả phân tích mẫu nước thải của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên), các thông số xả thải vượt bao gồm BOD5 vượt 1,9 lần; độ màu vượt 1,32 lần theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (QCVN40:2011).
Hành vi này đã vi phạm điểm q, khoản 1 và khoản 5, Điều 13 của Nghị định 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Cùng với xử phạt, tỉnh Hưng Yên cũng yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp khắc phục hậu quả do các hành vi vi phạm, tiến hành xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường.