Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. |
Chung tay “vẽ hình hài” đất nước
Ngày 9/1/2023 có lẽ là một ngày đặc biệt đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Bởi ngày đó, tại kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhìn ông rạng rỡ nụ cười, mắt lấp lánh niềm vui, sẽ hiểu ông đã vui thế nào khi Quy hoạch Tổng thể quốc gia được thông qua. Đó là thành quả của bao năm nỗ lực, bao tháng ngày suy tư, nghiên cứu của không chỉ cá nhân ông, mà còn của biết bao cán bộ, chuyên viên, chuyên gia, tư vấn, nhà khoa học…
“Đây là một công trình nghiên cứu hết sức đồ sộ và công phu, nghiêm túc, khoa học, với 41 hợp phần, gần 7.000 trang tài liệu.
- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Gần 30 cơ sở viện, trường nghiên cứu, khoảng 100 nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về quy hoạch tham gia công trình này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy tại kỳ họp bất thường của Quốc hội, diễn ra vào những ngày đầu năm mới 2023.
Có lẽ, lần đầu tiên việc xây dựng quy hoạch được thực hiện công phu đến vậy. Không chỉ Quy hoạch Tổng thể quốc gia, ngành quốc gia, mà cả quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cũng thế. Nghe nói, để chuẩn bị cho việc thẩm định quy hoạch, có địa phương đã chở cả một xe tải hồ sơ, tài liệu lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh để phục vụ công tác thẩm định.
Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, tháng 9/2018, Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng Quy hoạch quốc gia, mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là Phó chủ tịch. Kể từ ngày ấy, ông cùng các cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mày mò nghiên cứu, tìm hiểu, kể cả đi khảo sát, học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài, rồi trăn trở hết ngày này qua tháng khác cùng các chuyên gia tư vấn, các nhà nghiên cứu, các bộ, ngành… để có thể “vẽ hình hài” đất nước.
Để đến bây giờ, “hình hài” ấy đã được định hình. Từ một bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, đến “khung” các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng… Từ xác định được các vùng động lực, các cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia…, đến phác thảo các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển, các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn…
Lúc Quy hoạch Tổng thể quốc gia được đưa ra Quốc hội thảo luận, cũng còn có ý kiến khác, ý kiến mang tính phản biện. Cũng dễ hiểu thôi, bởi đây là lần đầu tiên một bản quy hoạch tổng thể quốc gia được lập theo hướng tích hợp, rất khó và chúng ta chưa có kinh nghiệm. Nhưng Bộ trưởng rất cương quyết, “chỉ có thế tiến lên, quyết không lùi”.
Quyết không lùi là bởi quy hoạch này có tính dẫn dắt, mang tính nền tảng cho các quy hoạch khác, rất cấp thiết và quan trọng. Không kịp thông qua, sẽ ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và các quy hoạch tỉnh khác. Không kịp thông qua, có thể sẽ bỏ lỡ cả một cơ hội phát triển của đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã quyết liệt khẳng định điều này cách đây ít năm, khi Luật Quy hoạch được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội. Ông nói, Luật Quy hoạch chậm thông qua ngày nào sẽ ảnh hưởng đến tương lai phát triển của đất nước ngày ấy, thậm chí làm lỡ cả một thập kỷ phát triển ở phía trước. Quyết liệt thế, nên ông chẳng ngại động chạm, sẵn sàng “xông pha” trên mọi mặt trận để bảo vệ bằng được quan điểm của mình. Đó là phải làm một “cuộc cách mạng” trong công tác quy hoạch, nếu không sẽ vẫn tái diễn tình trạng quy hoạch manh mún, chồng chéo, kém hiệu quả, thiếu tính thị trường như bao lâu nay.
Thế nên, mới có chuyện từ 3.650 quy hoạch giảm chỉ còn 111 quy hoạch như hiện nay. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất và khó nhất là thiết kế Quy hoạch Tổng thể quốc gia. Ngoài ra, phải xây dựng 6 quy hoạch vùng, 63 quy hoạch của các tỉnh và 39 quy hoạch của các ngành.
Suốt cả quá trình đồng hành với các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia trong xây dựng quy hoạch thời kỳ mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng luôn nói rằng, công tác quy hoạch được ví như “người công binh mở đường”. Nếu mở đường thắng lợi, thì cuộc chiến sẽ thắng lợi, còn nếu làm không tốt sẽ dẫn đến thất bại, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước.
“Xây dựng Quy hoạch Tổng thể quốc gia là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng luôn nhấn mạnh điều này.
Bởi thế, việc Quốc hội thông qua Quy hoạch Tổng thể quốc gia, quan trọng hơn hết, với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là có thể giúp “vạch đường đi” cho sự phát triển của đất nước. Cũng tương tự như thế, các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành sẽ là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của tỉnh, của vùng và của các ngành kinh tế quốc gia.
“Công việc còn nặng nề lắm”, Bộ trưởng nói thế. Bởi cho tới giờ này, vẫn còn 5 quy hoạch vùng, 42 quy hoạch tỉnh chưa được thẩm định để hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền quyết định, mà thời gian thì gấp gáp lắm rồi. Bộ Kế hoạch và Đầu tư không chỉ tham gia hướng dẫn, mà còn là cơ quan thường trực của Hội đồng Thẩm định, rồi hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, còn Bộ trưởng là Chủ tịch Hội đồng Thẩm định. Với hơn 30 quy hoạch ngành, dù không chủ trì, nhưng Bộ trưởng và các cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vẫn phải cùng tham gia.
Suốt cả năm thấy ông và các cán bộ của mình bận rộn cho công tác lập quy hoạch. Hơi chậm so với tiến độ, nên càng về cuối năm, công việc càng áp lực nặng nề. Có tuần, 4 - 5 cuộc họp thẩm định quy hoạch được tổ chức. Cần kíp và phải đẩy nhanh, nhưng ông vẫn luôn nói rằng, phải đặt chất lượng lên hàng đầu và phải coi đây là cơ hội tổ chức, sắp xếp lại không gian phát triển, nhằm phát huy được tiềm năng, tận dụng được thế mạnh của từng vùng, khu vực, địa phương, từng ngành và lĩnh vực, tạo ra các động lực và cực tăng trưởng mới cho đất nước.
Tất cả là vì sự phát triển của dân tộc, của đất nước, vì một tương lai phát triển vững bền hơn trên con đường đi tới thịnh vượng!
Việc Quốc hội thông qua Quy hoạch Tổng thể quốc gia giúp “vạch đường đi” cho sự phát triển của đất nước. |
Cùng làm nên những điều kỳ diệu trong phát triển kinh tế
Nụ cười của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, một năm trước, cũng rạng rỡ như thế ở phòng họp Diên Hồng. Bởi, cũng tầm này năm ngoái, Quốc hội đã chính thức thông qua gói tài chính, tiền tệ quy mô lớn nhất từ trước tới nay để thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cá nhân Bộ trưởng, với tư cách là “Tư lệnh” của cơ quan tham mưu tổng hợp về điều hành kinh tế - xã hội, đề xuất.
Năm ngoái, Quốc hội quyết định tổ chức kỳ họp bất thường đầu tiên chủ yếu là để thông qua gói kích thích kinh tế đó. Năm nay, trọng tâm của kỳ họp bất thường thứ hai, chính là để thông qua Quy hoạch Tổng thể quốc gia. Năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã họp phiên bất thường để thông qua gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19…
Họp bất thường, bởi đó đều là các quyết sách quan trọng, cần sớm được thông qua. Và người tham mưu cho các chính sách đó, không ai khác, chính là Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, với tư cách là “Tư lệnh” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thế nên, khi tham dự và chỉ đạo Hội nghị Tổng kết năm 2022 và Phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc lại nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng “Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tổng tham mưu có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng”, để khẳng định những đóng góp to lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như cá nhân Bộ trưởng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Thủ tướng còn nói, Bộ đã làm được rất nhiều việc, nhưng không nêu vào trong báo cáo, bởi còn bận lo việc chung, lo việc đất nước nhiều quá. Nghe Thủ tướng nói vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mỉm cười, bởi những đóng góp của toàn ngành đã được ghi nhận.
Ba năm nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 là ba năm Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và các cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư bận rộn, vất vả vô cùng. Theo dõi từng biến động của dịch bệnh, diễn biến của kinh tế toàn cầu và trong nước, theo sát các hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tiến độ triển khai từng dự án… để có đề xuất, tham mưu các giải pháp kịp thời, vừa để gỡ khó, vừa để tạo nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế trong tương lai.
Nhờ thế, vượt thách thức Covid-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng dương. Đặc biệt, năm 2022, nền kinh tế phục hồi ngoạn mục, đạt mức tăng trưởng lên tới 8,02%. Có được điều đó là nhờ sự chủ động, linh hoạt trong điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, nhưng khởi đầu phải là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tham mưu chính sách. Không chỉ là các nghị quyết 01 như thường niên, mà còn là một chương trình tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Giữa năm 2021, những phác thảo đầu tiên của Chương trình được Bộ trưởng chỉ đạo các cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, sau đó được hoàn thiện dần, với mục tiêu rất rõ ràng là phải có quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện đủ dài, hỗ trợ cả về phía cung và phía cầu… Quốc hội thông qua, lại là Bộ trưởng chỉ đạo thiết kế và tham mưu Chính phủ nghị quyết về thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
“Các đồng chí đã tham mưu rất trúng và đúng. Đó là Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội tập trung vào 4 trọng tâm: an sinh xã hội, y tế, hạ tầng và doanh nghiệp”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nói thế.
Chính sách được thông qua, lại miệt mài theo dõi và quyết liệt đốc thúc triển khai. Mà đâu chỉ riêng Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, còn rất nhiều việc phải làm, từ đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công, đến tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…
Nhiệm vụ khó khăn và nặng nề, nhưng tất cả đều hoàn thành đúng hạn. Nhờ vậy, từng tháng, từng quý, tình hình kinh tế - xã hội dần phục hồi. Cả năm 2022, 13/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu đề ra, đặc biệt là tăng trưởng GDP ở mức cao, nên vỡ òa trong cảm xúc mừng vui.
Nhưng Bộ trưởng nói, mừng đấy, mà lo đấy, bởi các thách thức, khó khăn của năm 2023 là rất lớn. Kinh tế thế giới diễn biến nhanh và khó lường, đầy rủi ro và các yếu tố bất định. Trong nước, những khó khăn đã phát lộ ngay từ cuối năm trước. Doanh nghiệp gặp khó vì thiếu đơn hàng, dòng tiền cũng khó. Thu hút đầu tư nước ngoài dù điểm tích cực là giải ngân đạt mức cao, nhưng thu hút mới lại vẫn trong xu hướng suy giảm, có thể ảnh hưởng đến giải ngân và việc tạo thêm năng lực mới cho nền kinh tế trong những năm sắp tới… Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt kỳ vọng…
Trong khi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo, năm 2023, thành tựu đạt được phải cao hơn năm 2022.
“Nhiệm vụ là rất nặng nề. Phải giữ vững ngọn cờ đổi mới và cải cách, không ngừng đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, dũng cảm vượt qua chính mình, vì lợi ích chung của đất nước, của dân tộc”, Bộ trưởng đã nói thế với các cán bộ, nhân viên của toàn ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê.
Và hành trình kiến tạo hạnh phúc cho người dân
Đã là nhiệm kỳ thứ hai Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng được trao trọng trách Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Suốt chặng đường hơn 7 năm qua, ông luôn trăn trở với việc làm sao để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của đất nước. Vì khát vọng ấy, ông đã chọn con đường tiên phong đổi mới, ngay từ ngày mới nhậm chức và cho tới tận bây giờ, ngọn cờ đổi mới, ngọn lửa cải cách trong ông luôn bừng sáng.
Ông vẫn luôn nói với các cán bộ, nhân viên Bộ Kế hoạch và Đầu tư rằng, toàn ngành phải không ngừng đổi mới và cải cách, phải trang bị một hệ thống tư duy tổng hợp, mang tầm chiến lược, bao quát cả những vấn đề ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của đất nước; đồng thời, bắt kịp xu hướng vận động, phát triển mới của thế giới, để vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của nước ta, góp phần cùng cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân từng bước hiện thực hóa khát vọng tương lai xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng và hạnh phúc.
Lo cho không chỉ ngắn hạn, mà cả trung và dài hạn, nên năm 2022, có thể nói đã ghi dấu ấn quan trọng trong sự thay đổi về mặt tư duy và nhận thức của cán bộ toàn ngành. Công tác trọng tâm đã được chuyển từ phân bổ kế hoạch sang xây dựng cơ chế, thể chế, chính sách pháp luật; từ trạng thái thực hiện sang trạng thái tham mưu, kiến tạo sự phát triển…
Hiếm có năm nào mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại thực hiện việc tham mưu cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và vùng lãnh thổ nhiều đến như thế. Từ việc chủ trì xây dựng các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho địa phương, như Cần Thơ, Khánh Hòa, hay Buôn Ma Thuột… đến việc tham mưu xây dựng các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển 6 vùng kinh tế, cũng như chủ trì xây dựng chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện các nghị quyết này…
“Tư duy mới - Tầm nhìn mới” là điều đã luôn được Bộ trưởng nhắc đến khi nói về việc triển khai các nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị.
Hơn một lần, Bộ trưởng nhấn mạnh, đã đến lúc chúng ta phải tự hoạch định con đường phát triển của riêng mình, đặt ra các mục tiêu lớn để nỗ lực phấn đấu và bứt tốc, để có thể tiến cùng và vượt lên trong hành trình đi tới tương lai thịnh vượng của đất nước.
Kinh tế năm 2023 còn khó khăn, phía trước còn nhiều thách thức, nhưng cũng có rất nhiều cơ hội đang được mở ra. Sau phục hồi, sẽ là cơ hội để nền kinh tế bứt tốc, tạo nền tảng cho sự tăng trưởng nhanh và bền vững trong tương lai. Các cơ chế, chính sách mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như cá nhân Bộ trưởng tham mưu, từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, các cơ chế - chính sách để phát triển các vùng kinh tế, các đầu tàu kinh tế của cả nước, đặc biệt là Quy hoạch Tổng thể quốc gia… sẽ là “chìa khóa” để nền kinh tế đi tới phồn vinh và hạnh phúc.
Trong hành trình ấy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng luôn nói rằng, không được để ai bị bỏ lại phía sau. Bởi thế, trong bộn bề công việc, vẫn thấy ông rất chân tình và cởi mở tới thăm, động viên và bảo trợ cho các nhóm người yếu thế trong xã hội. Nhìn nụ cười hồn hậu và cái bắt tay ấm áp, thân tình của ông với những người khiếm thị, khiếm thính, với các “chiến binh” của Công ty Kym Việt, hay HTX Tâm Ngọc, Nhóm Thương Thương…, càng thấu hiểu “tâm và tầm” của Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư. Khi chúng ta có tầm nhìn, tâm sáng và tấm lòng nhiệt huyết, chúng ta sẽ hết mình lo cho dân, cho nước…
Nhớ hôm Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Chương trình Tự hào Việt Nam, giữa sân Đoan Môn của Di tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long, vào đúng thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã kêu gọi cán bộ, nhân viên toàn ngành đồng lòng thống nhất tinh thần “Tự hào với lịch sử càng cao thì trách nhiệm với hiện tại và tương lai càng lớn”, và cùng nhau truyền tải thông điệp “Người dân là trọng tâm của phát triển, mọi chính sách phải hướng tới hạnh phúc người dân”. Ông nói, thông điệp ấy phải xuyên suốt trong mọi hoạt động tham mưu, hoạch định chính sách của ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê.
“Mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành hãy không ngừng truyền tải thông điệp mạnh mẽ về Trí Tuệ - Đạo Đức - Bản Lĩnh và Nghị Lực; luôn tu dưỡng, rèn luyện bản thân, kết hợp với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nỗ lực hết mình để cùng lan tỏa ngọn lửa nhiệt huyết, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường, vì khát vọng phát triển, xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với cường quốc 5 châu như mong ước của Bác Hồ kính yêu, mọi người dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh như vậy.
Hành trình thịnh vượng của đất nước, hành trình hạnh phúc của người dân dường như đang được khởi nguồn từ những hạt mầm nỗ lực ngày hôm nay, bắt đầu từ mỗi con người của Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng luôn nhấn mạnh rằng, giá trị cốt lõi và cũng là tài sản lớn nhất mà ngành Kế hoạch và Đầu tư đã có, đang có và sẽ có, là bản lĩnh, trí tuệ, là khát vọng vươn lên, cống hiến, để đồng hành cùng dân tộc, làm nên những điều kỳ diệu mới trong phát triển kinh tế, hướng tới xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc.
Tâm niệm ấy, khát vọng ấy của Bộ trưởng đang từng ngày, từng giờ được truyền tải tới mỗi cán bộ, nhân viên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và toàn ngành.