Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. |
“Phương pháp thặng dư là phương pháp ước tính, giả định. Mà giả định thì đưa ra nhiều tham số khác nhau. Mà tham số khác nhau thì dẫn đến sai phạm, cơ quan thẩm định giá cũng phải chịu trách nhiệm”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải thích như trên khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về thực trạng nhiều doanh nghiệp từ chối thẩm định giá.
Công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá là một trong các nhóm vấn đề được nhiều đại biểu đề cập khi chất vấn người đứng đầu ngành tài chính, sáng 18/3.
Chất vấn kết quả thanh tra về giá năm 2023, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) muốn biết “Bộ có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả thanh tra về giá trong thời gian tới”.
Ông Tân cũng hỏi quan điểm của Bộ trưởng và hướng giải quyết về tình trạng “nhiều doanh nghiệp thẩm định giá từ chối thẩm định giá đấu thầu mua sẵm trang thiết bị cho hoạt động thường xuyên của cơ quan Nhà nước và tính giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước”.
Trả lời, ông Phớc nói giá đối với các mặt hàng cũng như giá đất, các sản phẩm do Nhà nước định giá được quy định cụ thể ở Luật Giá và luật chuyên ngành.
Kế thừa luật Giá trước và luật Giá năm 2023, giá chuyên ngành giao cho các bộ, ngành quản lý. Ví dụ, hướng dẫn xây dựng giá đất, kiểm tra giá đất thì do Bộ Tài nguyên và môi trường. Hay giá thiết bị y tế, thuốc … thì những sản phẩm do Nhà nước bỏ ngân sách Trung ương ra mua thì Bộ Tài chính phối hợp cùng với Bộ Y tế xác định giá tối đa. Còn giá cụ thể Bộ Y tế quyết định. Cònn giá điện Bộ Công thương quyết định… Theo phạm vi công tác của từng bộ thì bộ đấy phải kiểm tra, xử lý. Còn bộ Tài chính hướng dẫn chung.
Việc một số doanh nghiệp không dám thẩm định giá, theo Bộ trưởng có nhiều nguyên nhân. Có thể do công việc họ nhiều. Có thể họ lo ngại rủi ro về mặt pháp lý do nhiều nguyên nhân do năng lực kém, có thể quy định pháp luật có những cái có nhiều cách hiểu khác nhau, có thể dẫn đến vấn đề sai phạm. Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân khác nữa.
“Ví dụ, khi xác định giá đất, thì trước xác định theo Nghị định 44, sau theo Nghị định 12, trước có 5 phương pháp, giờ có 4 phương pháp định giá. Nhưng gói gọn lại chủ yếu thực hiện phương pháp thặng dư. Phương pháp thặng dư là phương pháp ước tính, giả định. Mà giả định thì đưa ra nhiều tham số khác nhau. Mà tham số khác nhau thì dẫn đến sai phạm, cơ quan thẩm định giá cũng phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng dẫn chứng.
Ông Phớc nói thêm, một ngôi nhà khi đưa ra thẩm định giá hình thành tài sản trong tương lai, ước tính một mét vuông 20 triệu đồng, khi bán thực có khi 25 triệu, chênh lệch 5 triệu thì kết quả định giá là sai thì cơ quan thảm định giá cũng chịu trách nhiệm.
Còn có lý do nữa, theo Bộ trưởng là do phương pháp xác định giá, phương pháp cơ bản là xác định chi phí, giá thị trường với những hàng hóa, xác định theo tiêu chí thẩm định giá của doanh nghiệp. Nhưng, có nhiều cách hiểu khác nhau, nhiều lúc chưa đồng nhất,có quan điểm cho rằng khi xác định giá thì phải lấy giá xuất nhập khẩu, cộng chi phí trung gian. Cũng có quan điểm cho rằng, lấy báo giá của những người đã bán hàng để xác định giá khởi điểm.
Hay xác định thiệt hại trong vụ án hình sự, nhiều người nói xác định tại thời điểm vi phạm, có người nói xác định khi khởi tố, người lại nói khi xác định khi xét xử, Bộ trưởng nêu thêm.
Dùng quyền tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nói, thời gian qua cho thấy, các công ty thẩm định giá không những có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế mà trong các vụ án sai phạm vừa qua, vai trò của công ty thẩm định giá cũng rất quan trọng, có trách nhiệm, hoặc thậm chí là tiếp tay trong việc dìm giá hoặc nâng giá.
Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng là thời gian qua gia tăng quá nóng các doanh nghiệp thẩm định giá, vì vậy dẫn đến việc tiếp tay và sai phạm. Tuy nhiên, sau khi xử lý sai phạm dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp không dám làm nên gây khó khăn trong hoạt động của nền kinh tế. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ đến đâu trong vấn đề này, đồng thời cho biết giải pháp khắc phục được những hạn chế trên trong thời gian tới?
Hồi âm, ông Phớc cho rằng nhận xét Bộ Tài chính cấp phép cho nhiều công ty thẩm định giá chưa hoàn toàn chính xác. Vì công ty thẩm định giá cả nước chỉ có vài trăm công ty thôi.
Kiểm định viên về giá, có chứng chỉ thì phải đào tạo, qua thi cử, trong 3 năm vừa rồi, chưa có kỳ nào mà vượt quá 33% số dự thi trúng tuyển. “Cho nên, chúng tôi quản lý rất chặt chẽ trong cấp phép cũng như hoạt động”, Bộ trưởng khẳng định.
Những sai phạm vừa qua, theo ông Phớc thuộc về hành vi của thẩm định viên về giá.
“Chẳng hạn như vụ SCB, rõ ràng các công ty kiểm toán hàng đầu của thế giới, Big 4, 3 trong đó là Ernst & Young Việt Nam, Deloitte Việt Nam, KPMG Việt Nam đều kiểm toán SCB nhưng đều vi phạm. Rõ ràng cái này là do kiểm toán viên, thẩm định viên chứ không phải do công tác quản lý”.
Nhận định như trên song Bộ trưởng “phải thừa nhận một số văn bản pháp luật của chúng ta vẫn còn lỗ hổng để cán bộ thẩm định giá người ta lợi dụng”.
Quay trở lại giá đất, ông Phớc nhấn mạnh giá đất áp dụng áp dụng theo phương pháp thặng dư thì bất cứ ai quay trở lại thẩm định cũng sai hết. Bởi vì giá đất ở đây là giả định mà giả định suất đầu tư tài sản, hình thành trong tương lai. Một cái nhà khi lập dự án phê duyệt thiết kế, kỹ thuật lập dự toán mà đến khi thanh tra, kiểm toán vẫn cứ cắt giảm được 5-10%, chưa kể giả định theo suất đầu tư thì có những công trình chưa có trong quy định trong suất đầu tư của Bộ Xây dựng.
Sai phạm vừa qua một phần vì quy định pháp luật, một phần vì cán bộ thẩm định giá cố tình làm sai thì xảy ra sai phạm thì phải xử lý kỷ luật, thậm chí phải xử lý hình sự, Bộ trưởng trả lời đại biểu.