- Sửa Luật Giá: Vì sao cần giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu?
- Cục trưởng Cục Quản lý giá nói gì về việc tăng giá sách giáo khoa?
- Để giá sữa nhảy múa, Cục Quản lý giá quản gì?
- TP.HCM: Nhiều nhân sự ngành giáo dục, y tế nghỉ việc
- Bộ trưởng Thăng chỉ đạo làm rõ vụ máy bay Vietnam Airlines suýt đụng máy bay quân sự
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận. |
Chiều 19/9, phát biểu cuối phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với tư cách Trưởng ban soạn thảo Luật Giá (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đề cập đến khó khăn trong tổ chức bộ máy của Bộ.
Trước đó, khi cho ý kiến về dự thảo Luật Giá (sửa đổi), các ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn nhiều băn khoăn về nhiều nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung. Một số chính sách mới Ban soạn thảo được đề nghị phải đánh giá kỹ lưỡng hơn.
"Trước đây khi làm Tổng Kiểm toán nhà nước, 5 năm tôi chỉ sửa một bộ luật đã thấy rất vất vả, nhưng sang đây là 13 bộ luật, chưa kể là thông tư, nghị định, liên tục phải đọc, phải tổ chức hội nghị, nghiên cứu, tiếp thu", ông Phớc chia sẻ.
Nhấn mạnh công tác xây dựng thể chế rất vất vả, người đứng đầu ngành tài chính nêu thực tế "bộ máy hiện nay rất khó khăn, một số anh em xin nghỉ việc nhiều, kể cả vụ phó cũng xin nghỉ việc, trưởng phòng cũng xin nghỉ việc, tôi phải gặp và động viên suốt".
Bộ trưởng kể, ngay chiều 18/9, ông cũng phải gặp một trưởng phòng của Cục Quản lý giá để tìm cách giữ vị này lại.
Ông đã nói với nữ trưởng phòng này là "em đã làm ở Bộ Tài chính 20 năm rồi, có 2 bằng đại học, 1 bằng thạc sĩ rồi, giỏi tiếng Anh, bây giờ em bỏ việc thì em làm gì?".
Và câu trả lời của cô ấy là "em không làm gì, em chỉ nghỉ thôi".
"Tôi hỏi là nếu cô ở lại tôi có thể chuyển cô sang bộ phận khác ít rủi ro hơn, nhàn hơn thì cô ấy bảo nếu anh nói thế thì hóa ra em phản bội anh em, bây giờ Cục khó khăn em lại chuyển đi cục khác, em chỉ xin về thôi".
Nhấn thêm một lần là giai đoạn này "rất khó khăn", song Bộ trưởng Phớc vẫn khẳng định sẽ hết sức nỗ lực để hoàn thành được nhiệm vụ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao, Quốc hội giao cho.
Cũng liên quan đến nguồn nhân lực khu vực công, giai đoạn này, có lẽ không chỉ riêng Bộ Tài chính gặp khó.
Trong tham luận gửi tới Diễn đàn Kinh tế - xã hội 2022 vừa diễn ra, Bộ Y tế đánh giá, hiện nay nhân lực y tế đang có xu hướng nghỉ việc và đang có một làn sóng mạnh mẽ chuyển dịch nhân lực y tế từ các cơ sở y tế công lập sang các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế thống kê và báo cáo số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc từ ngày 1/1/2021 đến 30/6/2022.
Kết quả cụ thể, trên cả nước, có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc (3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác). Trong đó có 8.810 nhân viên y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.
Có 8.810 nhân viên y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xin thôi việc, bỏ việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập.
Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: Thành phố Hồ Chí Minh 2.035 người, Thành phố Hà Nội 1.032 người, Đồng Nai 496 người...