Tình trạng quá tải đang xảy ra ở nhiều bệnh viện tuyến trên là hạn chế của ngành y tế |
Phát biểu giải trình một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết với những nỗ lực toàn ngành, chất lượng khám chữa bệnh đã có những tiến bộ khá rõ nét, theo đánh giá gần đây nhất của UNDP thì chỉ số hài lòng của bệnh nhân sau khám chữa bệnh đạt 76%, một đánh giá khác cho thấy tỷ lệ hài lòng của bệnh nhân nội trú là 80%.
"Ngành đã triển khai nhiều biện pháp như chuyển giao nhiều kỹ thuật từ bệnh viện tuyến Trung ương xuống tuyến tỉnh; ban hành 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện theo tiêu chuẩn quốc tế và xếp hạng, đánh giá các bệnh viện một cách độc lập, công khai trên truyền thông; xây dựng nhiều bệnh viện mới ở Trung ương và tuyến tỉnh, huyện, tạo bộ mặt bệnh viện khang trang, xanh sạch đẹp, đổi mới phong cách phục vụ trong toàn ngành...", bộ trưởng Tiến nói.
Một điểm nữa là đổi mới cơ chế tài chính, tiến tới tính đúng, tính đủ, đưa cả chi phí lương vào, từ đó giảm chi từ ngân sách, thu hút người tham gia BHXH, tăng cường bệnh viện tư nhân... Một đề án khác là đưa bác sĩ tốt nghiệp khá và giỏi lên các huyện nghèo trong 3 năm, giải quyết rất nhiều nhu cầu khám chữa bệnh tại các huyện này. Cùng với đó, nối mạng gần 100% cơ sở y tế với BHXH; tăng cường y tế cơ sở, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Về hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, vẫn có tình trạng quá tải tại các bệnh viện Trung ương tuyến cuối. Có bệnh viện tới 5.000 - 6.000 người, do nhiều nguyên nhân như người dân không tin tưởng tuyến dưới, chưa đủ bác sĩ, hạ tầng trang thiết bị chưa đầy đủ.
Chẳng hạn dịch chân tay miệng bùng phát tại các tỉnh phía Nam vừa qua, bệnh nhân mắc nhẹ ở độ 1, độ 2 cũng vào viện tuyến trên, khiến lượng bệnh nhân tại đây quá tải.
Ngoài ra, chăm sóc bệnh viện vẫn chưa được toàn điện, chưa đáp ứng đủ tỷ lệ nhân viên y tế trên mỗi bệnh nhân; một bệnh nhân vào viện vẫn 3 - 4 người nhà vào chăm sóc. Điểm yếu này, theo bộ trưởng, một phần do cơ chế tài chính chưa đủ chi trả cho cán bộ, nhân viên y tế.
Về giải pháp, Bộ đang triển khai các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, thực hiện kiềng 3 chân các giải pháp là: Thứ nhất, phát triển y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân gắn với y tế gia đình, y tế xã phường, kết hợp công tư, đẩy mạnh xã hội hóa, đây là giải pháp số 1.
Thứ hai là người dân khi có bênh vào viện thì phải được chăm sóc chu đáo, toàn diện, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sắp tới Bộ sẽ hình thành hàng loạt cơ sở khám chữa bệnh hiện đại như ở nước ngoài.
Trước đó, theo báo cáo từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho biết, tổng số lượt người bệnh đến bệnh viện khám bệnh, tư vấn mỗi ngày là khoảng 8.000 đến 8.500 lượt. Riêng khu vực nội trú, số bệnh nhân nhập viện mỗi ngày là 220 lượt, công suất giường bệnh sử dụng tại đây là 104%.
Với Bệnh viện Chợ Rẫy, đây là một trong những bệnh viện tuyến trung ương mà tình trạng quá tải kéo dài triền miên, bình quân mỗi ngày bệnh viện khám cho gần 5.500 lượt bệnh nhân. 6 tháng đầu năm 2018, bệnh viện tiếp nhận khám cho khoảng 755.000 bệnh nhân trong đó bệnh nhân bảo hiểm y tế chiếm gần 50%.
Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, thời gian qua đã thực hiện nhiều phương pháp giảm tải, thực hiện khám bệnh từ 4 giờ 30 sáng, bố trí thêm nhiều phòng khám, đầu tư xây mới cơ sở vật chất.... nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu. Tình hình quá tải vẫn tăng nhẹ, nhất là khám bệnh ngoại trú. Trong khi năng lực bệnh viện có hạn, cơ sở vật chất chật hẹp nên bệnh viện đã giảm áp lực bằng cách liên kết với các bệnh viện khác để chuyển bệnh nhân sang.