- Nhanh chóng tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL
- Tái cơ cấu nông nghiệp để hút FDI
- Khách du lịch Mỹ chi tiêu nhiều nhất tại Việt Nam
- Gia hạn tạm trú cho khách du lịch được hãng lữ hành bảo lãnh
- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: DN tư nhân là động lực của nền kinh tế
- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Không thay đổi về chất, không thể tăng trưởng 7 - 8%
“Tình hình sản xuất, kinh doanh tháng 5 vẫn trên đà phát triển từ quý 4/2014, nhưng đã bắt đầu nẩy sinh khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ - 2 trong 3 trụ cột của nền kinh tế”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu.
Khu vực nông nghiệp, nếu như năm 2014 tăng trưởng rất tốt (tăng hơn 3%) thì trong 5 tháng đầu năm nay dự kiến chỉ tăng khoảng 2%. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp giảm 1% so với năm trước, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là vấn đề vô cùng hệ trọng, bởi nông nghiệp ở Việt Nam là bệ đỡ cho cả nền kinh tế, là phao cứu sinh cho hàng chục triệu người.
Vấn đề lớn nhất trong nông nghiệp hiện nay là đầu ra cho sản phẩm do thị trường tiêu thụ cả trong nước lẫn xuất khẩu bị thu hẹp, không chỉ có dưa hấu, hành tím mà là tất cả các mặt hàng, kể cả mặt hàng chủ lực là gạo, cao su…
“Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến cao su gặp tôi rất buồn bã. Họ cho biết, cách đây mấy năm, giá bán cao su lên tới 150 triệu đồng/tấn, bây giờ chỉ có 25 triệu đồng/tấn. Ở nhiều nơi, người dân đã bắt đầu đốn hạ cây cao su”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ.
Theo người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư, việc giá cao su xuất khẩu giảm 5-6 lần không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn mang yếu tố chính trị. Vì cách đây mấy năm, Đảng, Chính phủ có chủ trương phát triển cây cao su ở Điện Biên, Sơn La, Lai Châu. Người dân được hỗ trợ, khuyến khích để trồng cây cao su, nhưng quan trọng hơn là đồng bào nghe theo, tin theo Nhà nước mới trồng cây cao su.
Vài năm nữa, cao su ở các tỉnh phía Bắc có thu hoạch, không bán được sản phẩm, càng để càng lỗ thì chúng ta giải thích thế nào với đồng bào?
Với mặt hàng gạo, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đang phải đối mặt với 3 vấn để rất nan giải. Thứ nhất là sản xuất quá nhiều trong khi chất lượng không được cải thiện, không đủ khả năng cạnh tranh với gạo Thái Lan và nhiều nước khác.
Thứ hai, một số nước bắt đầu sử dụng chính sách bảo hộ nông nghiệp và khuyến khích sản xuất trong nước. Gần đây nhất, Indonesia (thị trường nhập khẩu gạo khá lớn của Việt Nam) bắt đầu chủ động sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu.
Còn Trung Quốc - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam (khoảng 2 triệu tấn/năm chủ yếu theo đường tiểu ngạch) cũng bắt đầu thắt chặt việc nhập khẩu bằng quy định, doanh nghiệp nào nhập bao nhiêu gạo của Việt Nam (do giá rẻ) thì phải tìm cách tiêu thụ một khối lượng gạo nhất định sản xuất trong nước.
Thứ ba là thị trường bị thu hẹp, nhưng các nước tham gia vào thị trường xuất khẩu ngày càng nhiều. Ngoài Campuchia và một vài nước khác, Ấn Độ và Pakistan cũng tuyên bố tham gia vào thị trường xuất khẩu gạo. Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh rất lớn trên thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam là Thái Lan hiện tại còn lượng gạo dữ trữ hơn 10 triệu tấn và đang chuẩn bị tung ra thị trường với giá cả và chất lượng chắc chắn là hấp dẫn hơn so với gạo Việt Nam.
“Chúng ta suy nghĩ gì về tái cơ cấu nông nghiệp nếu vẫn duy ý trí về sản xuất lương thực trong khi không biết tìm đầu ra ở đâu”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đặt câu hỏi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với đại diện WB, ADB mới có cuộc làm việc với Bình Thuận được biết, Bình Thuận quy hoạch diện tích cây thanh long chỉ có 15.000 ha, nhưng thấy có hiệu quả, người dân đã trồng lên 25.000 ha và diện tích cây thanh long tiếp tục được nâng lên.
“Dưa hấu, hành tím, thanh long, gạo, cao su… cứ sản xuất hàng loạt, phá vỡ hết quy hoạch thì không ế mới là lạ. Ế mới là chuyện bình thường”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh và cho rằng, vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp phải làm căn cơ hơn, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp cần phải ngồi với nhau để bàn thảo cụ thể về vấn đề này nhằm sớm tìm đầu ra cho nông sản một cách vững chắc.
Tốc độ tăng trưởng cũa khu vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch đang giảm mạnh cũng là điều khiến người đứng đầu ngành kế hoạch - đầu tư vô cùng trăn trở.
Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, trong tháng 5, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước vào khoảng 576.900 lượt người, giảm 16,4% so với tháng 4 (tháng 4 giảm mạnh so với tháng 3) và giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2014 - thời kỳ công nhân biểu tình phản đối Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển Việt Nam khiến khách quốc tế, đặc biệt là khách Trung Quốc giảm rất mạnh.
Tính chung, trong 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam ước vào khoảng 3,3 triệu lượt người, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Khách đến từ các thị trường chủ yếu đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, khách từ khu vực châu Á (chiếm 64,2% tổng lượng khách) giảm 14,8%; trong đó riêng khách Trung Quốc giảm 33%.
“Trụ cột của nền kinh tế là nông nghiệp, dịch vụ và công nghiệp - xây dựng thì đã có 2 trụ cột rơi vào khó khăn. Nếu Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương không tìm cách tháo gỡ mạnh mẽ thì cuối năm nay, khi mà Quốc hội họp Kỳ thứ 10, chắc chắn sẽ được nghe báo cáo về tốc độ tăng trưởng GDP bị chậm lại”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lo lắng.