Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đã có đề án với lộ trình xử lý cụ thể xử lý 12 dự án kém hiệu quả |
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại đã có sự tăng trưởng đều, góp phần đáp ứng mục tiêu cơ cấu lại và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực nền tảng quan trọng.
Năm 2016 lĩnh vực này tăng 11,9%; năm 2017 là 14,4% và 9 tháng đầu năm 2018 khoảng 13%.
Công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng ổn định trong nhiều lĩnh vực chứ không còn phụ thuộc vào một số ngành như trước. Dệt may đứng thứ 7 thế giới, da giày thứ 3 về sản xuất và thứ 2 về xuất khẩu, thủy sản thứ 4, đồ gỗ đứng thứ 5 về xuất khẩu.
Đã hình thành một số tập đoàn, tổ chức kinh tế lớn của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân. Bộ trưởng nhắc đến một số doanh nghiệp lớn có đóng góp lớn cho nền kinh tế và xuất khẩu.
Tỷ trọng hàng chế biến chế tạo trong cơ cấu hàng xuất khẩu cũng tăng 61% năm 2011, lên hơn 82% đến hết tháng 9/2018.
"Chúng ta cũng đã quy hoạch lại không gian lãnh thổ công nghiệp, hình thành một số trung tâm công nghiệp theo các ngành; thực hiện tốt chủ trương đa phương, đa dạng hóa các thị trường thương mại, xuất khẩu tới gần 200 quốc gia, riêng nông sản tới 180 quốc gia. 29 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, tăng thêm 9 mặt hàng so với 20 mặt hàng tại thời điểm 2011. Chất lượng hàng hóa ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới - hiện cũng không còn thị trường nào dễ tính nữa", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Hiện một số sản phẩm của Việt Nam đã từng bước vào được thị trường thế giới, khẳng định vị trí trong chuỗi giá trị như gạo, cao su; dệt may, da giày... nhưng giá trị gia tăng còn thấp do phụ thuộc vào một số yếu tố, năng suất lao động chưa cao. Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới Chính phủ sẽ đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng phân tích thêm về cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung và cho biết, Chính phủ rất quan tâm, các bộ ngành nghiên cứu, phối hợp thường xuyên và báo cáo Chính phủ, từ đó khai thác tốt cơ hội và hạn chế các nguy cơ. Do không có thời gian, Bộ trưởng xin phép sẽ báo cáo đầy đủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ trưởng bày tỏ sự đồng tình với đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu trước đó.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận: "Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không đơn thuần là tranh chấp thương mại, còn là câu chuyện địa chính trị. Điều đó đồng nghĩa sẽ dẫn tới nhiều hệ luỵ".
Về 12 dự án kém hiệu quả, Bộ trưởng khẳng định đã có đề án với lộ trình xử lý cụ thể, mục tiêu năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các dự án này cần được xử lý trong khung khổ luật pháp, theo đúng nguyên tắc thị trường, bảo đảm nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phù hợp với các cam kết quốc tế.
"Các Bộ ngành đã phối hợp rất chặt chẽ trong việc này, đến nay, tiến độ đến nay cơ bản đạt một số kết quả tích cực. 6 dự án dừng kinh doanh thì đã có 2 dự án, nhà máy bước đầu hiệu quả tích cực, không còn lỗ nữa, sẽ sớm đưa ra khỏi danh sách. 4 dự án còn lại cũng đã từng bước khôi phục hoạt động, giảm lỗ. 2 dự án liên quan tới nhiên liệu sinh học cũng đã có những chuyển biến cụ thể. Các dự án khác như Gang thép Thái Nguyên, giấy Phương Nam... có nhiều vấn đề phức tạp như công nghệ, thậm chí vi phạm pháp luật, trong thời gian tới sẽ tiếp tục xử lý rất đồng bộ, theo đúng quy định của pháp luật...".