Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp khó khăn về tài chính và một số vấn đề nội tại nên không có kinh phí nhập dầu thô để sản xuất xăng dầu thành phẩm |
Bộ Công thương đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) làm việc với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn để công bố rõ kế hoạch cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước theo từng tháng.
Khó khăn lớn từ Nghi Sơn
Ngày 14/3, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Như Báo Đầu tư - Baodautu.vn đã thông tin, sáng ngày 16/3, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sẽ trả lời chất vấn tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của ngành, trong đó có sản xuất, cung ứng, nhập khẩu xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua.
Về sản xuất, theo báo cáo, Việt Nam hiện nay có 2 nhà máy lọc dầu: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thuộc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn thuộc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn với công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô/năm. Hai nhà máy này cung cấp khoảng 70-75% nhu cầu xăng, dầu trong nước (trong đó nguồn từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chiếm 35-40%, nguồn từ Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn chiếm khoảng 35%).
Năm 2021, sản lượng sản xuất của hai nhà máy đạt 13,88 triệu m3, trong đó sản lượng sản xuất của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt khoảng 7,19 triệu m3. Sản lượng của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đạt khoảng 6,69 triệu m3.
Về nhập khẩu, Bộ trưởng Diên cho biết, dự kiến năm 2022, nhu cầu khoảng 7,4 triệu m3. Lũy kế 2 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã nhập khẩu khoảng 1,4 triệu m3 xăng dầu các loại.
Tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước theo kế hoạch năm 2022 là 20,7 triệu m3, trong đó sản xuất trong nước khoảng 14,418 triệu m3, nhập khẩu khoảng 6,282 triệu m3.
Báo cáo cũng nêu nguyên nhân nguồn cung giảm, trong đó có việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn gặp khó khăn về tài chính và một số vấn đề nội tại nên không có kinh phí nhập dầu thô để sản xuất xăng dầu thành phẩm.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, từ đầu tháng 1/2022, Nhà máy đã giảm công suất từ mức 100% xuống mức 80% và sau đó chỉ ở mức 55-60% công suất., từ đó hàng thực tế giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong tháng 2/2022 đã bị giảm 50% so với kế hoạch (365.200 m3/ 739.900 m3, tháng 3 cũng giảm 20% (kế hoạch giao 680.000 m3, nhưng dự kiến giao hàng chỉ là 556.000 m3, trong đó xăng giảm 5%, dầu giảm 30%).
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhận định, trong tháng 3, nguồn cung cho xăng dầu trong nước sẽ cơ bản được đáp ứng đủ do tồn kho từ tháng 2/2022 chuyển sang, cùng với việc các thương nhân đầu mối tiếp tục nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch đã được Bộ Công thương phân giao từ đầu năm 2022 và nhập khẩu bổ sung .
Báo cáo cũng nêu rõ, hiện nay, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của Nhà máy.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã làm việc với PVN để đánh giá thực trạng khả năng sản xuất, cung ứng xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và thống nhất trước mắt, kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu Quý II/2022 cho thị trường trong nước không bao gồm nguồn cung từ Nhà máy này.
Theo Bộ trưởng, việc điều hành giá xăng dầu theo hướng bám sát diễn biến giá thị trường thế giới, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới sẽ cơ bản được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước của doanh nghiệp và người dân.
Tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối
Để bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường xăng dầu trong nước trong thời gian tới, Bộ Công thương cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu (doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng).
Việc này cũng khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.
Bộ trưởng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện về thủ tục và tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu được Bộ Công thương phân giao từ đầu năm 2022 và lượng phân giao bổ sung.
Với Bộ Tài chính, kiến nghị của Bộ trưởng Công thương là rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt cho phù hợp, nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu.
Với Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Công Thương kiến nghị Uỷ ban chỉ đạo PVN triển khai các nhiệm vụ đã thống nhất với Bộ Công thương để nhanh chóng khắc phục sự cố của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và cam kết có kế hoạch cung ứng xăng dầu ổn định từ nguồn sản xuất trong nước cho thị trường để phục vụ công tác điều hành của Chính phủ và Bộ Công thương.
Ủy ban còn được đề nghị chỉ đạo PVN làm việc cụ thể với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn về kế hoạch sản xuất để công bố rõ kế hoạch cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước cho Bộ Công thương và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo từng tháng để các thương nhân đầu mối có kế hoạch đặt mua hàng từ nguồn nhập khẩu sớm, bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường trong nước thời gian tới.