Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) tại phiên chất vấn. |
Sáng 11/11, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tiếp tục trả lời chất vấn.
Trước đó, chiều 10/11, Bộ trưởng đã trả lời nhiều chất vấn của đại biểu Quốc hội về lao động, việc làm, việc thực hiện các gói hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, quản lý hoạt động từ thiện...
Mong Bộ trưởng thực hiện đúng lời hứa
Bộ trưởng cũng "nợ" một số câu hỏi do hết thời gian, trong đó có chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp). Đó là nhiều lao động phi chính thức, lao động tự do, người lao động không đăng ký tạm trú phản ánh chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ.
Có nhiều đối tượng trong khu phong tỏa, cách ly, nhà trọ, ngỏ hẻm chật hẹp họ than vãn bị thiếu đói, nhất là ở các đô thị lớn, cho rằng Nghị quyết 68 của Chính phủ còn những điểm bất cập, dư luận cũng bức xúc trước việc hỗ trợ thiếu sự công bằng, đại biểu nêu vấn đề và đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến.
Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói ông đã báo cáo khi trả lời đại biểu khác là đối tượng thuộc diện hỗ trợ lên đến hàng chục triệu người, yêu cầu thì gấp gáp nên tổ chức thực hiện còn có khiếm khuyết.
Tới đây sẽ rà soát lại để những ai chưa nhận được hỗ trợ thì sẽ sớm tiếp cận được chính sách này, Bộ trưởng khẳng định.
Bên cạnh vấn đề trên, đại biểu Phạm Văn Hoà còn có chất vấn thứ hai dành cho Bộ trưởng là việc áp dụng phương thức "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" ở một số nơi chưa phù hợp, sinh hoạt rất khó khăn, có thể bị lây nhiễm, gây tâm lý bất ổn cho người lao động và doanh nghiệp, tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Nhưng vì không thể đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, doanh nghiệp đành phải chấp nhận sản xuất, nếu vẫn còn áp dụng sau này, Bộ trưởng có chia sẻ gì về gánh nặng này đối với doanh nghiệp?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời, trước Việt Nam, Singapore và Indonesia từng áp dụng mô hình này. Còn ở Việt Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang là các địa phương đầu tiên áp dụng mô hình đó, sau đó đến một số địa phương khác.
Ông Dung khẳng định Ban chỉ đạo Trung ương không áp đặt mô hình nào với các địa phương mà chỉ đưa ra nguyên tắc "an toàn thì mới sản xuất, sản xuất phải an toàn". Nghĩa là việc này do địa phương, doanh nghiệp xem xét quyết định dựa trên thực tế, lựa chọn mô hình phù hợp.
"Tôi rất đồng cảm là quả thực mô hình 3 tại chỗ chỉ đúng với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, trong thời gian ngắn. Bởi chi phí mô hình này quá lớn", ông Dung trả lời đại biểu Hoà.
Dùng quyền tranh luận, đại biểu Hoà nói cả Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng đã hứa các đối tượng còn lại chưa được nhận hỗ trợ sẽ được nhận, thì mong rằng, lời hứa này sẽ thành hiện thực, vì cử tri rất mong chờ. Đại biểu cũng nhấn mạnh chi phí cho mô hình 3 tại chỗ rất cao, vậy Bộ trưởng có chia sẻ gì, có đề xuất gì hỗ trợ doanh nghiệp không?
Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ là ngay sau kỳ họp này của Quốc hội sẽ có công điện chỉ đạo rà soát lại các đối tượng chưa được hưởng chính sách hỗ trợ, ông rất mong đại biểu thông tin địa bàn có nhiều người chưa nhận được để kiểm tra sớm nhất. Còn việc hỗ trợ cho doanh nghiệp thì sẽ đề xuất trong chương trình phục hồi kinh tế, xã hội.
Sẽ công bố bản đồ việc làm từ năm 2022
Cũng trong chiều 10/11, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) chất vấn về vấn đề đào tạo nghề khi mà sau 36 năm đổi mới thì 4 người lao động có 1 người lao động được đào tạo nghề mà có tay nghề. Trong thời gian tới thì giải pháp nào để tạo đột phá được ngang bằng với các nước ASEAN, phương thức đối tác công - tư được áp dụng trong lĩnh vực này như thế nào?
Đại biểu Lộc cũng cho rằng, có báo cáo về lao động, việc làm hàng năm và ban hành sách trắng hàng năm về vấn đề này, có sơ đồ về bản đồ việc làm và nghề nghiệp hàng năm để định hướng cho xã hội. Bởi vì vấn đề công ăn việc làm sẽ luôn luôn là vấn đề hàng đầu của Việt Nam.
Trả lời đại biểu Vũ Tiến Lộc về hợp tác công tư trong giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá là đây sẽ là nguồn lực quan trọng cho phát triển. Thời gian tới, Bộ sẽ rà soát cơ chế chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
"Trong 5 năm tới, ngành lao động và giáo dục nghề nghiệp sẽ có sự lột xác", Bộ trưởng quả quyết.
Với thông tin về tình hình lao động, ông Dung nói Tổng cục Thống kê (GSO) đã có các báo cáo quý, ngành lao động cũng có cập nhập, nhưng Bộ trưởng thừa nhận thông tin vẫn "đi chậm so với thị trường".
Thời gian tới, trong chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ đề xuất phối hợp với GSO công bố các ấn phẩm về việc làm, bản đồ việc làm, dự kiến từ năm 2022. Việc công bố sách trắng Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, ở thời điểm cho phép và có tác động đến thị trường thì sẽ công bố.
Về giải pháp tạo đột phá để đào tạo nghề ngang bằng với các nước ASEAN, ông Dung cho biết, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, 55 triệu người, nhưng cùng lúc phải giải quyết 2 bài toán.
Thứ nhất là chăm lo, nâng cao chất lượng mặt bằng của lực lượng lao động nói chung, nhất là trong điều kiện 65% lực lượng lao động có đào tạo nhưng chỉ có 24,5% có chứng chỉ bằng cấp so với mặt bằng chung của các nước ASEAN thì tương đối thấp.
Thứ 2 là tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thay đổi bản chất của công việc. Dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong 5 năm tới, có 1/3 công việc sẽ thay đổi ở Việt Nam. 40% lao động khó có khả năng đáp ứng yêu cầu mới khi kỹ năng lao động không được nâng lên.
Vì vậy, Việt Nam đặt mục tiêu hết 2025 có khoảng 30-35% lực lượng lao động có bằng cấp chứng chỉ, đến năm 2030 phấn đấu 40-45%. Đây là chỉ tiêu rất cao, đòi hỏi nỗ lực rất lớn. Vì vậy, Bộ dự tính đào tạo lao động thích ứng công nghệ mới, thông qua doanh nghiệp là chính, thông qua cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục nói chung.
Ông Dung cũng thông tin là Chính phủ có chủ trương đào tạo lao động chất lượng cao nhằm tiếp cận và bắt kịp các nước ASEAN và G20, trọng tâm là đào tạo trình độ cao đẳng chất lượng cao, làm nền tảng trong đào tạo nghề. Chính phủ đã cho phép hình thành khoảng 80 trường chất lượng cao trong nhiệm kỳ này.
Thủ tướng cũng đồng ý thiết lập một số trung tâm vùng quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành, có chức năng dẫn dắt và đào tạo nghề trong tương lại, lĩnh vực trọng điểm mà Việt Nam đang thiếu chất lượng cao; thành lập 3 trung tâm vùng ở miền Bắc, Trung, Nam. Đào tạo nghề tiếp tục theo hướng mở, liên thông, linh hoạt, bao trùm, gắn học tập với nâng cao tay nghề suốt đời, Bộ trưởng trả lời đại biểu.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kết thúc lúc 9h, Quốc hội chuyển sang chất vấn nhóm vấn đề giáo dục và đào tạo.