- Mưu sinh thời “không bình thường” - Bài 1: Xoay vần trong dịch
- Mưu sinh thời “không bình thường” - Bài 2: Bám trụ thị thành
- Mưu sinh thời “không bình thường” - Bài 3: Doanh nhân không khóc
- Mưu sinh thời “không bình thường” - Bài 4: Khởi nghiệp “ngược bão”
- Mưu sinh thời “không bình thường” - Bài 5: Không để ai bị bỏ lại phía sau
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. |
Doanh nghiệp đứt chuỗi cung ứng, lao động mất việc làm tăng mạnh
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, trước thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện, mỗi tháng có 80.000 - 90.000 người tham gia vào thị trường lao động. Riêng lực lượng lao động có việc làm thông qua đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 11.000 người/tháng.
Tuy nhiên, từ thời điểm tháng 4 - 5/2020, thị trường lao động mất khoảng 60.000 việc làm mỗi tháng, bởi doanh nghiệp bị đứt chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được. Từ đó dẫn đến tình trạng lao động bị ngưng việc, giãn việc, mất việc.
Hiện cả nước có 55,4 triệu người lao động, trong đó, lao động phi chính thức chiếm khoảng 56%. Đây là lực lượng đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nhưng cũng lại là nhóm chịu nhiều tổn thương, rủi ro và ít được thụ hưởng chính sách nhất. Điều đó được thể hiện rõ thông qua đợt Covid-19 vừa qua. Trong tình hình khó khăn này, nếu không chăm lo tốt cho lực lượng lao động phi chính thức thì nhiều tác động bất lợi có thể xảy ra.
Phân tích cho thấy, ở chừng mực nào đó, nhóm người lao động thuộc khu vực chính thức, như công nhân viên chức, lực lượng lao động trong các doanh nghiệp nhà nước có thể "trụ được" trong một thời gian nữa, nhưng với những lao động phi chính thức đã thực sự rất khó khăn. Chính vì vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Bộ đang nghiên cứu tham mưu Chính phủ tiếp tục hỗ trợ khắc phục Covid-19 theo hướng cần ưu tiên nhóm đối tượng lao động nào, khu vực nào, phương án cụ thể ra sao…
Hiện tại, với khu vực lao động phi chính thức, các chính sách hỗ trợ đã có bao gồm: chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chính sách hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác; chính sách việc làm công; chính sách hỗ trợ phát triển tổ chức dịch vụ việc làm; chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; chính sách về an toàn, vệ sinh lao động.
Sẽ có gói hỗ trợ an sinh thứ hai
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đợt dịch Covid-19 tái phát vào cuối tháng 7/2020 tác động mạnh đến thị trường lao động khi các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Tính đến hết tháng 7, số doanh nghiệp ngừng kinh doanh tăng 41,5 % so với cùng kỳ năm 2019. Đây là giai đoạn thất nghiệp thực sự. Số lao động thất nghiệp sẽ còn tăng nếu từ nay đến cuối năm không kiểm soát tốt tình hình dịch.
Trước tình hình đó, Bộ đã tham mưu với Chính phủ gói hỗ trợ an sinh xã hội lần 2 với phương án hỗ trợ toàn diện để ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất. Tập trung hỗ trợ vào nhóm các lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng, du lịch, dịch vụ. Trong đó đặc biệt quan tâm chăm lo đến đối tượng lao động khu vực phi chính thức.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nếu không chăm lo tốt công tác an sinh xã hội cho lao động khu vực phi chính thức sẽ ảnh hưởng đến đời sống xã hội.
Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng. Các địa phương đã phê duyệt danh sách các nhóm đối tượng được thụ hưởng lên tới 16,8 triệu người. Đồng thời, việc giải ngân qua hệ thống kho bạc nhà nước được gần 12.000 tỷ đồng, tính tới hết ngày 31/7.
Theo đó, khoản gần 12.000 tỷ đồng trên được trích từ 36.000 tỷ đồng tiền mặt trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Ngoài ra, người lao động và doanh nghiệp còn được hưởng lợi từ các chính sách khác của gói 62.000 tỷ đồng, gồm: Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, cho vay để trả lương lao động, chi trả trợ cấp thất nghiệp…