Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trực tiếp đi trên tàu công vụ thị sát công trường Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông |
Chuyến tàu công vụ chở Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể xuất phát từ depot – ga Yên Nghĩa vào lúc 3h25 và dừng tại ga Thượng Đình cách đó khoảng 8 km, sau gần 15 phút chạy tàu.
Tuy nhiên, thời gian chạy tàu trên cung đoạn này trong giai đoạn khai thác chính thức sẽ được rút ngắn bởi tốc độ chạy tàu công vụ chỉ bằng gần một nửa so với tàu thương mại.
Trên thực tế, tuyến đường sắt đô thị từ ga Yên Nghĩa – Hà Đông đến ga Cát Linh đã có thể chạy tàu công vụ từ hơn 4 tháng nay nhưng để chính thức bắt đầu vận hành thử nghiệm đoàn tàu thương mại cần khoảng 4 -5 tháng nữa, trong đó chủ yếu là thời gian chờ EVN cấp điện cho toàn hệ thống cũng như hoàn thiện toàn bộ các nhà ga.
Ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc phụ trách Ban QLDA đường sắt cho biết, trong tháng 4 và đầu tháng 5/2018, tiến độ thi công Dự án có chuyển biến tích cực. Tổng thầu EPC – Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc đã tăng cường lực lượng triển khai nhiều mũi thi công trên toàn tuyến, cùng lúc cho nhiều hạng mục công việc, nhưng về tổng thế, tất cả các hạng mục công việc còn lại đều đã bị chậm so với tiến độ đề ra.
Hiện Dự án đang trong giai đoạn tập trung lắp đặt thiết bị, thang máy, thang cuốn kết hợp với hoàn thiện thi công xây dựng cơ bản. Để đảm bảo được kế hoạch đóng điện toàn dự án trong tháng 5/2018, Ban QLDA đường sắt đã yêu cầu Tổng thầu tập trung nhân lực vật lực, lập kế hoạch chi tiết để thi công các hạng mục còn lại một cách khoa học nhất, tăng cường thi công liên tục 3 ca, tập trung các hạng mục có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ đóng điện để hoàn thành trước, nhằm đảm bảo tiến độ đã cam kết.
" Hiện mới giải ngân được đợt đầu tiên với 7,2 triệu USD do tổng thầu còn chậm trễ trong việc hoàn thành các thủ tục thanh quyết toán nên chưa đẩy nhanh được tiến độ", ông Phương nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông là biểu tượng mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Khó khăn nhất của dự án trong giai đoạn vừa qua là nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD đã được hai nước giải ngân, vì vậy không thể để các khó khăn, vướng mắc khác làm cản trở tiến độ dự án.
“Ban QLDA, tổng thầu và các đơn vị phải nỗ lực hơn nữa, quyết không lùi tiến độ, đảm bảo dự án vận hành thử nghiệm vào tháng 10/2018 và khai thác thương mại vào tháng 12/2018”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Điểm tích cực tại Dự án là tổng khối lượng vật tư, thiết bị đã về đến công trường đạt khoảng 90%. Công tác thi công lắp đặt thiết bị đang được Tổng thầu triển khai đạt khoảng 76%.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, khó khăn nhất của Dự án trong giai đoạn vừa qua là nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD đã được hai nước giải ngân, vì vậy không thể để các khó khăn, vướng mắc khác làm cản trở tiến độ dự án.
Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định sẽ luôn tạo điều kiện tối đa để Dự án sớm hoàn thành và đưa vào khai thác. Trước mắt, đối với ga Cát Linh, Tổng thầu và nhà thầu phụ cần hoàn thiện sớm, mở cửa cho người dân Thủ đô vào thăm quan, đóng góp ý kiến.
“Hiện Việt Nam đang triển khai nhiều dự án metro với các công nghệ khác nhau, Dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông cần chứng tỏ công nghệ, năng lực thiết kế, thi công xứng đáng với vị thế cường quốc về đường sắt trên thế giới ”, Bộ trưởng Thể chỉ đạo Tổng thầu EPC.
Liên quan đến công tác giải ngân các khối lượng hoàn thành, ông Thể yêu cầy Ban QLDA và nhà thầu cần ngồi lại bàn bạc thảo luận triển khai giải ngân vốn cho các hạng mục của dự án. Những hạng mục thuộc phần mua sắm lắp đặt thiết bị có thể xem xét tạm ứng tới 80% cho những thiết bị đạt tiêu chuẩn đã mang về Việt Nam.
Với những hạng mục thuộc phần thi công công trình, Ban quản lý dự án sẽ hỗ trợ nhà thầu hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu và thanh toán theo đúng quy định. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định Bộ GTVT sẽ ưu tiên giải quyết những vướng mắc của dự án thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, những vướng mắc thuộc thẩm quyền của Bộ ngành khác, nhà thầu và Ban quản lý dự án cần tập hợp báo cáo để Bộ phối hợp giải quyết, cần thiết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo.
“Tôi yêu cầu Tổng thầu phải huy động tổng lực nhân lực và thiết bị để đảm bảo Dự án vận hành thử nghiệm vào tháng 10/2018 và khai thác thương mại vào tháng 12/2018”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư hơn 552,8 triệu USD vào năm 2008, đến năm 2016, được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,1 triệu USD). Vì tăng tổng mức đầu tư, Dự án phải vay thêm ngân hàng Eximbank Trung Quốc thêm 250 triệu USD.