Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Open Grid Europe (Đức), một trong những nhà vận hành hệ thống truyền dẫn khí đốt lớn nhất châu Âu, ở Werne. Ảnh: AFP |
"Một số quốc gia, kể cả những quốc gia 'thân thiện', đôi khi đã có được mức giá cao ngất ngưởng [giá bán khí đốt - BTV]. Tất nhiên, điều đó dẫn đến những vấn đề mà chúng ta phải xem xét", Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nêu trong bài trả lời phỏng vấn tờ báo NOZ. Theo đó, ông Habeck kêu gọi Mỹ hỗ trợ nhiều hơn nữa trong bối cảnh các đồng minh châu Âu đang gặp khó khăn về năng lượng.
"Mỹ đã tìm đến chúng tôi khi giá dầu tăng, và kết quả là kho dự trữ dầu của châu Âu đã được huy động. Tôi cho rằng sự đoàn kết như vậy sẽ tốt cho việc kiềm chế giá khí đốt", ông Habeck lập luận.
Bộ trưởng Kinh tế Đức cho rằng EU cũng nên nỗ lực nhiều hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng khí đốt, trong bối các nước đang tranh giành nguồn cung thay thế. Giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt kể từ đầu năm chủ yếu do tác động của chiến sự ở Ukraine và mối quan hệ giữa EU và Nga xấu đi.
Theo đài CNBC, Tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom của Nga đã cắt giảm mạnh nguồn cung cho EU trong vài tháng qua, chủ yếu nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mà phương Tây nhắm vào Nga sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ tháng 2/2022. Trước khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, Nga là nhà cung cấp khí đốt chính cho EU, đáp ứng tới 45% nhu cầu khí đốt nhập khẩu của khối này.
Bộ trưởng Kinh tế Đức kêu gọi EU "nên tập hợp sức mạnh thị trường của mình và điều chỉnh hành vi mua hàng một cách thông minh và đồng bộ để từng nước EU riêng lẻ không tự trả mức giá khí đốt cao hơn và đẩy giá thị trường thế giới đi lên". Sức mạnh thị trường châu Âu là "rất lớn" và nó cần được tận dụng, theo Bộ trưởng Kinh tế Đức.
Châu Âu đang phải đối mặt với một mùa đông khó khăn với dự báo thiếu hụt khí đốt trên toàn khu vực. Nhiều quốc gia thành viên EU như Đức đã phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga trong nhiều thập kỷ với nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng quy mô "khủng" đã được xây dựng, chẳng hạn như hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2 được thiết kế để vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức qua Biển Baltic.
Tuy nhiên, Đức đã tạm ngừng phê duyệt dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 trị giá 11 tỷ USD - một dự án chưa từng được đưa vào hoạt động. Do đó, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine vào tháng 2, Nord Stream 1 đã trở thành một "con tốt" trong quan hệ năng lượng giữa Moscow và Brussels.
Trong suốt mùa hè năm nay, nguồn cung cấp khí đốt từ Nga qua đường ống Nord Stream 1 dường như đã bị ngừng với lý do tiến hành bảo trì.
Mới đây, mối quan hệ năng lượng giữa Nga và châu Âu tiếp tục bị xấu đi khi hệ thống đường ống Nord Stream trên biển bị rò rỉ mà nguyên nhân vẫn còn là ẩn số.
Nga phủ nhận việc phá hoại các đường ống. Theo đài CNBC, các vụ nổ dưới nước được cho là đã làm hỏng một số đoạn ống của hệ thống dẫn khí Nord Stream. Sự cố đường ống Nord Stream đã khiến cộng đồng quốc tế kịch liệt phản đối và EU thề sẽ đáp trả "mạnh mẽ" đối với các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của khối này.
Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu có thời điểm tăng hơn 30% trong tháng 9 sau khi Nga tuyên bố ngừng cung cấp khí đốt qua hệ thống đường ống Nord Stream I đến Đức.
Theo dự báo của Trading Economics và các nhà phân tích, khí đốt tự nhiên ở châu Âu sẽ cán mốc 210,40 EUR/MWh vào cuối quý này. Mức giá này sẽ tiếp tục tăng lên 291,19 EUR/MWh trong 12 tháng tới.