Đầu tư Phát triển bền vững
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chúng ta chưa bao giờ xem nước là tài nguyên, dù luôn nói “tài nguyên nước”
Nhung Bùi - 04/06/2024 11:39
Điều này đòi hỏi Việt Nam cần một chiến lược tổng thể để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, phát triển nền nông nghiệp thích ứng với tình trạng khan hiếm nước, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long đã được đưa ra thảo luận tại phiên chất vấn Quốc hội sáng 4/6/2024.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, thế giới đang trải qua kỷ nguyên khô hạn, và Việt Nam nằm trong top 6 quốc gia dễ bị tổn thương nhất.

Để tiếp cận vấn đề tài nguyên nước, Việt Nam cần quan tâm đến 3 chủ thể: Số lượng nước, chất lượng nước, cách thức sử dụng nguồn nước. Trong đó, cách thức sử dụng nước sẽ tác động đến số lượng và chất lượng nước.

“Chưa bao giờ chúng ta xem nước là tài nguyên, mặc dù luôn nói tài nguyên nước”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ.

Trước thách thức ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, nước là nguồn tài nguyên hữu hạn, “tư lệnh ngành nông nghiệp” nói rằng Việt Nam cần xây dựng chiến lược tiếp cận theo hướng nông nghiệp khan hiếm nước. Cách thức tưới tràn, tưới xả như hiện tại, hết nước mặt lại khai thác tiếp nước ngầm sẽ dẫn tới một vòng luẩn quẩn trong sử dụng nước.

“Chúng ta cần một tuyên ngôn với bà con Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước rằng chúng ta không phải quốc gia dư thừa nước. Chúng ta cần một chiến lược tổng thể trong ngắn hạn lẫn dài hạn, có thể tính tới chuyển từ nền nông nghiệp dùng nước như một nguồn miễn phí dần dần phải chuyển sang có phí”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý.

Ông cũng cho biết thời gian qua đã có cơ hội làm việc với đoàn chuyên gia của Israel, quốc gia sa mạc nhưng sở hữu nền nông nghiệp vượt trội. Nguyên nhân là tại đây, từng đơn vị nước được hiệu chỉnh phù hợp với từng loại cây trái, vật nuôi. Câu chuyện tiết kiệm nước cũng được đưa vào giáo dục ngay từ khi trẻ em còn nhỏ.

Với Việt Nam, ngành nông nghiệp đã xây dựng đề án "phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Trong đề án này, ứng dụng công nghệ và phương pháp tưới ngập khô xen kẽ sẽ giúp chuyển đổi nền nông nghiệp Việt Nam sang hướng tiết kiệm nước, gắn với tăng tưởng xanh, bảo vệ môi trường.

Tháng 9 tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Thủ tướng đề án tổng thể liên quan đến vấn đề hạn hán, sụt lún, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói rằng đề án này cần nguồn lực đầu tư lớn, cần chuyển đổi cả không gian sống lẫn không gian sản xuất người dân để thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu.

Trước mắt, Bộ sẽ đề xuất lên Chính phủ các công trình trữ ngọt, hạn chế xâm nhập mặn tiêu biểu để ưu tiên đầu tư, đồng thời khép lại các vùng đầu tư đang ở tình trạng “nửa kín nửa hở” để người nông dân được hưởng lợi.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhắc đến bài học của Trà Vinh, địa phương ở cuối nguồn, cũng ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, nhưng Trà Vinh vẫn đảm bảo được nguồn nước sinh hoạt và sản xuất bằng cách khơi thông các luồng lạch, kênh mương tự nhiên. Qua đó, Bộ trưởng nói về cách tiếp cận với nguồn tài nguyên nước, không chỉ từ trên xuống dưới, mà cần có chiều từ dưới lên trên, tức từng hộ gia đình, từng khu dân cư có cách tiết kiệm nước riêng.

“Bằng cách này, nguồn lực đầu tư của Nhà nước giảm đi, mà chúng ta vẫn đẩy nhanh tiến trình hỗ trợ khắc phục hạn, mặn”, tư lệnh ngành nông nghiệp khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác